Hơn 3.680 doanh nghiệp nợ 433,5 tỉ đồng đóng BHXH
(Dân trí) - “Còn khoảng 60 % doanh nghiệp chưa đóng BHXH. Ngay cả nhóm doanh nghiệp đóng BHXH, còn tới 44 % nợ BHXH. Riêng 15/16 doanh nghiệp được đoàn trực tiếp làm việc, còn hơn 360 lao động nghỉ thai sản hoặc nghỉ việc nhưng chưa được giải quyết chế độ hoặc chốt sổ BHXH…”
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trưởng đoàn giám sát - trao đổi với báo giới tại buổi công bố kết quả giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015, chiều 23/3 tại Hà Nội.
Chương trình giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN tiến hành trên địa bàn 6 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng tháp và An Giang, với thời gian từ tháng 10-11/2015.
Số liệu thống kế cho thấy, hơn 3.680 doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH hơn 433,5 tỉ đồng. Điều đáng lưu ý là tỉ lệ bao phủ BHXH bình quân của 6 tỉnh được giám sát chỉ có 13% lực lượng lao động tham gia BHXH (khoảng 6,9% dân số trên địa bàn tỉnh). Tỉnh có tỷ lệ tham gia cao nhất là Khánh Hòa 23%, tỉnh thấp nhất là An Giang 6,6%; 14% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, 64,6% dân số tham gia BHYT.
“Tỉ lệ này còn rất xa so với mục tiêu Nghị quyết 21/NQ đề ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BH thất nghiệp và 80% dân số tham gia BHYT” - ông Mai Đức Chính cho biết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN: Năm 2016, công tác giám sát nên chuyển dần cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có số lao động và đóng thuế. Các cơ quan chức năng cần chú trọng tới nội dung giám sát việc xây dựng thang, bảng lương và lương tối thiểu. Tổng LĐLĐ VN, BHXH VN nên chọn 2-3 doanh nghiệp nợ BHXH lớn để đề nghị khởi tố làm thành vụ việc có tính tiêu biểu.
Tại 16 doanh nghiệp được đoàn trực tiếp tới làm việc, cho thấy: Tổng số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp lên tới hơn 31 tỉ đồng, có 7/16 doanh nghiệp đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Theo ông Mai Đức Chính, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản vi phạm quy định này nhiều nhất và thường chỉ đóng BHXH cho người lao động sau 12 tháng làm việc tại doanh nghiệp. Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN bắt buộc nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia đóng BHXH.
Còn hơn 1.100 doanh nghiệp báo cáo đã ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Đặc biệt, đoàn giám sát phát hiện: Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, hàng tháng đều có trích tiền đóng BHXH (khoảng 10,5%) từ tiền lương, tiền công của người lao động. Nhưng số tiền trên không được đóng vào quỹ BHXH mà chỉ đóng theo kiểu “trừ nợ dần” vào quỹ BHXH làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng BHXH của người lao động.
Đơn cử như Công ty Dayeon Bi Jou VN (Hà Nam) hàng tháng đều trích tiền đóng BHXH của 595 người lao động, tương đương 869 triệu đồng/tháng nhưng nợ BHXH 6 tháng liên tục.
Việc quản lý sổ BHXH của DN còn chưa đúng quy định. Tại thời điểm giám sát, có 6 doanh nghiệp đang giữ 996 sổ BHXH của người lao động đã nghỉ việc và 3 DN chưa đóng được BHXH cho 113 trường hợp do người lao động không nộp được sổ BHXH cũ về đơn vị mới.
Một số còn cho biết: Không biết quy định của BHXH Việt Nam là sau 12 tháng nghỉ việc, người lao động không đến nhận sổ BHXH thì doanh nghiệp phải bàn giao lại sổ BHXH cho cơ quan BHXH quản lý.
Đối với những doanh nghiệp nợ tiền BHXH, ông Mai Đức Chính cho rằng ngành công đoàn và cơ quan BHXH nên xem xét những trường hợp điển hình cùng đề nghị khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. "Có như vậy mới có thể thúc đẩy việc giải quyết tình trạng nợ BHXH hiện nay" - ông Mai Đức Chính nói.
Hoàng Mạnh
Luật BHXH có lợi cho người lao động
Từ 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực với rất nhiều điểm mới và có lợi cho người lao động.
Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 26% tiền lương tháng, mức đóng này được giữ từ ngày 1-1-2014 đến nay và chưa thay đổi. Trong đó, người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Cũng từ ngày 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (như công chức, viên chức nhà nước), thì tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Luật BHXH 2014 cũng mở rộng bổ sung thêm 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) thực hiện từ năm 2016; Người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi); Người lao động theo HĐLĐ có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (từ năm 2018); Lao động là người nước ngoài (năm 2018).
Đ.L
TP HCM: Sẽ xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ BHXH
Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, năm 2015, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của thành phố là hơn 1.294 tỷ đồng, chiếm 3,7% so với kế hoạch thu cả năm. Một số nguyên nhân chính được tổng kết: Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do kinh tế suy thoái khiến sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, BHYT; mức lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp; chế tài xử phạt chưa có tính răn đe cao…Để xử lý DN trốn, nợ BHXH, BHXH đã phối hợp với các cơ quan liên quan khởi kiện những DN này. Theo BHXH TP HCM, việc xử lý hình sự các đơn vị nợ BHXH là cần thiết nhằm đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Trong năm 2015, BHXH TP HCM đã khởi kiện 1.905 đơn vị, với tổng số nợ là 530.247 triệu đồng. Tổng số tiền thu hồi trong năm là 198.417 triệu đồng. Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, khoảng 30% số doanh nghiệp khi bị khởi kiện đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% số DN chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại tới 30% số doanh nghiệp gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể…
P.H
Người lao động bị trở thành “con tin”
Nhận định của ông Mai Đức Chính Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN khi trao đổi tại cuộc họp do Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 14.3.
Theo ông Mai Đức Chính, cuối năm 2015, một số doanh nghiệp đã “bán chui” các nhà xưởng và tài sản để trốn nợ BHXH. Doanh nghiệp cũ thì biến mất, còn doanh nghiệp mới thì chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng của người lao động. Do đó, người lao động đã trở thành “con tin” giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp.
Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho biết có nhiều vướng mắc vì thời điểm áp dụng các quy định. Theo đó, Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, trong khi Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2016. Việc xây dựng các quy trình khởi kiện theo đúng Bộ luật còn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật. Tổng LĐLĐ VN đề nghị trong khoảng thời gian này, BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục khởi kiện các doang nghiệp nợ BHXH theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành để đảm bảo nguồn thu cho quỹ và quyền lợi cho NLĐ.
Ngoài ra, ông Mai Đức Chính cũng đưa ra những bất cập khi triển khai Luật BHXH: Do luật BHXH 2014 không sửa nội dung gì liên quan đến chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nên quy định về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi nghỉ hưởng TNLĐ, BNN còn vênh với quy định nghỉ dưỡng sức sau khi hưởng hết chế độ ốm đau, thai sản.
H.T