1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Trị:

Hơn 34.300 người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ

Đăng Đức

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Trị đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hơn 34.300 người được hỗ trợ với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng.

Đây là thông tin được nêu tại hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Trị, vào chiều 21/1.

Hơn 11.000 lao động được giải quyết việc làm mới

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2021 ngành đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 11.134 lượt lao động (đạt 101,2 % kế hoạch), trong đó: 8.556 lượt lao động làm việc trong tỉnh, 1.800 lượt lao động làm việc ngoài tỉnh và 778 lao động làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, đã tuyển sinh, đào tạo cho 8.837 lao động (đạt 103,96% kế hoạch). Trong đó cao đẳng 122 người, trung cấp 628 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.087 người.

Hơn 34.300 người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ - 1

Ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị chủ trì tổ chức 3 chuyến đưa đón công dân từ các tỉnh phía Nam gặp khó khăn về quê (Ảnh: Đăng Đức).

Đáng chú ý là việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác đưa đón công dân gặp khó khăn từ TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về quê... được Sở LĐ-TB&XH triển khai kịp thời. Trong năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 3 đợt, đưa 1.500 người dân Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn từ phía Nam về quê an toàn.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ68), Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (QĐ23)… Đến nay, đã có gần 34.360 đối tượng được hỗ trợ, với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. 

Chính sách an sinh triển khai kịp thời, không bỏ sót đối tượng

Ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng ngành LĐ-TB&XH đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Hơn 34.300 người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ - 2

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị khẳng định, các chính sách an sinh xã hội được ngành triển khai kịp thời, không bỏ sót đối tượng (Ảnh: Đăng Đức).

Qua đó, ngành đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, 3 chỉ tiêu về giải quyết việc làm mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo và chỉ tiêu đào tạo lao động… đạt kết quả đáng khích lệ. Riêng chỉ tiêu về xuất khẩu lao động, do dịch bệnh nên không đạt được kết quả như mong muốn.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, năm 2021 ngành đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội liên quan đến người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội…

Bên cạnh những nhiệm vụ của ngành, có 2 nhiệm vụ phát sinh về triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo NQ68, QĐ23… Các chính sách hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, kịp thời, không bỏ sót đối tượng. 

Giải quyết việc làm cho lao động về từ phía Nam

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, năm qua ngành LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng do ngành quản lý, về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới…

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND thực hiện tốt việc đưa công dân Quảng Trị đang sinh sống và làm việc ở TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê chu đáo, an toàn, tạo sự đồng thuận và phấn khởi trong nhân dân. Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo NQ68, QĐ23… Đây là những chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân.

Hơn 34.300 người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ - 3

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành LĐ-TB&XH hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động yếu thế, người về từ phía Nam (Ảnh: Đăng Đức).

Qua đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị biểu dương những thành tích xuất sắc mà ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị đạt được trong năm qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, các nhóm lao động yếu thế, nhất là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Có giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động các tỉnh miền Nam trở về quê; công tác đào tạo nghề cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng "tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý", nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Hơn 34.300 người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ - 4

Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: Đăng Đức).

Tổ chức các hoạt động tri ân, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ưu đãi người có công, tranh thủ huy động mọi nguồn lực đóng góp, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để giải quyết những khó khăn cho người có công. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, tổ chức và các địa phương chăm lo một cái Tết an toàn, ấm cúng cho người dân; đặc biệt với các đối tượng người có công, đối tượng chính sách và những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm 2022, ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị đặt ra một số mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: Tạo việc làm mới 12.000 người, trong đó có 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 9.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,27%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt nghề đạt 50%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%.

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo bình quân của toàn tỉnh giảm từ 1,0-1,5%; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, 100% các đối tượng bảo trợ xã hội có đủ điều kiện được trợ cấp xã hội hàng tháng đầy đủ, kịp thời…