1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 20 % nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa được đào tạo

(Dân trí) - Khoảng 20% nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo. Trong khi đó, nhu cầu nhân sự có kỹ năng và kiến thức về du lịch luôn được các doanh nghiệp du lịch chào đón. Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực du lịch cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn.

Đó là những chia sẻ của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM trong buổi họp báo công bố tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 do Sở này và trường ĐH Hoa Sen tổ chức vào ngày 12/4 tới.

Hơn 20 % nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa được đào tạo - 1

Lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM và Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen công bố về diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019

Tại đây, ông Vũ cho biết, TPHCM có rất nhiều cơ sở đào tạo về du lịch với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp giảng dạy. 

"Dù trong số các trường đào tạo ấy có nhiều trường mạnh nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề trong chất lượng nhân lực ngành du lịch như: sự thống nhất về chương trình, liên kết đào tạo… Đặc biệt, vấn đề đào tạo lại ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của các doanh nghiệp”, ông Vũ nói. 

Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 là dịp thảo luận và tìm giải pháp cho các nội dung về nhân lực du lịch Việt Nam: Thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực; đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự; ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực.

Ông Vũ cũng khẳng định, việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề trọng tâm mà thành phố hướng tới trong tương lai.

"Thông qua diễn đàn này, chúng tôi kỳ vọng các cơ sở đào tạo liên kết lại với nhau để thống nhất các chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao. Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng trong du lịch phải nhấn mạnh 2 yếu tố kỹ năng và thái độ mà trong đào tạo hiện còn hạn chế”, giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói. 

Ông Vũ cũng cung cấp thêm, TPHCM là trung tâm du lịch có 140.000 lao động trực tiếp làm việc nhưng hơn 10% chưa qua đào tạo. Còn cả nước có khoảng 1,3 triệu lao động trong ngành du lịch nhưng có hơn 20% chưa đào tạo thì làm sao đảm bảo chất lượng tốt.

Trong khi đó, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen nêu kỳ vọng: "sau diễn đàn này sẽ có rất nhiều hoạt động khoa học để các trường ĐH đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo, đổi mới thời gian thực tập thực hành của sinh viên. Chắc chắn, phía cộng đồng các trường ĐH có đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch sẽ phải thay đổi để nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực này".

Hơn 20 % nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa được đào tạo - 2

Theo bà Quỳ, bấy lâu nay, khi nhắc đến nguồn nhân lực chất lượng cao mọi người thường hình dung đó là nguồn nhân lực được đào tạo ít nhất cũng từ trình độ đại học trở lên và căn cứ học vị để xếp vị trí cao.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần phải có cái nhìn khác và rộng hơn nữa. Đó là nên đặt nặng đến yếu tố con người và thái độ khi đưa ra khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là vấn đề lớn mà chúng tôi đưa ra trao đổi tại diễn đàn sắp tới”, bà Quỳ cho biết.

Đây là lần đầu tiên Thành uỷ, UBND TPHCM chấp thuận tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”. Chương trình sẽ được duy trì 2 năm một lần.

Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến Đại học, riêng TPHCM có 63 cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế.

Lê Phương