Hơn 20 năm làm nghề, nữ tiếp viên kể chuyện khó quên trên chuyến tàu Bắc - Nam

Hơn 20 năm ở vị trí tiếp viên đường sắt, nỗi niềm của chị Hoa gửi gắm trên những chuyến tàu Bắc - Nam. Những nụ cười, tình yêu và giọt nước mắt cũng luôn giữ lại nơi đó, trong những câu chuyện chị chứng kiến trên tàu.

Chứng kiến nhiều chuyện vui, buồn

Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 1980, Hà Nội) chọn làm tiếp viên tại chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội, thuộc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội và gắn bó với nghề suốt 21 năm.

Những năm qua, nỗi buồn vui của chị gửi trên những chuyến tàu Bắc - Nam. Mỗi hành trình, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, gặp được rất nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau là những trải nghiệm quý báu trong đời của chị.

Công việc của một tiếp viên đường sắt như chị Hoa chủ yếu là soát vé, hướng dẫn hành khách lên tàu, giúp khách xách, bê đồ, tìm vị trí, ổn định chỗ ngồi và đồ đạc cho mọi người trước khi tàu chuyển bánh.

Hơn 20 năm làm nghề, nữ tiếp viên kể chuyện khó quên trên chuyến tàu Bắc - Nam - 1

Chị Hoa có thâm niên hơn 20 năm làm trong ngành đường sắt.

Khi gặp những vị khách bận con nhỏ, người khuyết tật, người già khó đi lại, chị Hoa luôn là người giúp đỡ. Chị coi đó là một phần trách nhiệm của mình và luôn làm hết sức có thể.

Kể về những kỉ niệm đã qua, chị Hoa có chút rưng rưng. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, người phụ nữ từng chứng kiến nhiều câu chuyện vui buồn trên các chuyến tàu suốt chặng đường từ Bắc vào Nam hẳn không quên được chuyện một sản phụ chuyển dạ trên tàu 6-7 năm về trước. 

"Khi ấy, tàu sắp vào ga Đồng Hới (Quảng Bình) thì mọi người hô hoán. Trên tàu có đủ dụng cụ để đỡ đẻ, nhưng vì sắp vào ga nên mọi người đã kịp liên lạc với bộ phận ga tàu để chuẩn bị. Tàu dừng ở ga Đồng Hới, tôi và vài đồng nghiệp vội bế sản phụ lên xe cấp cứu chờ sẵn đưa vào viện gần đó. Thật may, sản phụ mẹ tròn con vuông. Sau đó, vị khách ấy còn gọi điện cảm ơn chúng tôi", chị Hoa kể.

Nhắc đến chị Hoa - nhân viên kì cựu của Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội - một đồng nghiệp khen: "Chị ấy là người rất chăm chỉ, chịu khó, là người có thâm niên ở đây. Tính tình chị ấy rất hiền lành, tốt bụng, gặp người là giúp".

Người đồng nghiệp ấy còn chia sẻ bức ảnh chị Hoa đang chăm sóc một vị khách khuyết tật trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam khi người này lên tàu một mình. Hình ảnh một tiếp viên tàu đút thức ăn cho vị khách khuyết tật khiến nhiều người xúc động.

Hơn 20 năm làm nghề, nữ tiếp viên kể chuyện khó quên trên chuyến tàu Bắc - Nam - 2

Chị Hoa chăm sóc một người khuyết tật trên tàu.

 Chị Hoa cho biết, đó không phải là nhiệm vụ của những người làm công việc tiếp viên như chị, nhưng chị nghĩ mình cần phải làm và nên làm. Bởi vậy, chị thường xuyên bế các cháu nhỏ giúp các mẹ lúc họ bận việc hoặc say tàu; đỡ người già, người bệnh vào chỗ ngồi; xách đồ giúp khách…

Những chuyện quên đồ cũng thường xuyên xảy ra trên các chuyến tàu. Chị từng nhớ có vị khách để quên túi tiền và máy tính giá trị sau khi rời tàu. Chị liền báo cho trưởng tàu lập biên bản, có người làm chứng kí rồi gửi lại đồ cho khách. Vị khách sau đó cũng gọi điện và còn viết lời cảm ơn trên mạng.

Nhưng khách cũng có người này người kia, có người lịch sự có người lại khiếm nhã. Chị Hoa từng gặp một vị khách tiễn mẹ lên tàu. Rất thông cảm với giây phút tạm biệt nên chị Hoa để vị khách đó ngồi lại với mẹ trên tàu một lúc. Trước khi tàu chuyển bánh, nhiều lần chị nhắc nhở vị khách xuống cho kịp giờ, nhưng người này cứ phớt lờ lời nói của chị, thậm chí còn có thái độ muốn gây gổ.

Chị bình tĩnh xử lý tình huống, giải thích cho vị khách hiểu đó là việc làm khiếm nhã và ảnh hưởng đến đoàn tàu cũng như sự an toàn của khách. Nhưng người này vẫn không chịu xuống và đòi đi cùng đến điểm dừng tiếp theo. Được các tiếp viên trong đoàn và bộ phận bảo vệ giải thích, vị khách sau đó đã biết sai và xin lỗi chị.

Đối với chị Hoa, lịch sự, nhã nhặn với khách hàng là tiêu chí hàng đầu. Nhưng nếu hành khách có thái độ không tốt, đội an ninh tàu và đoàn tiếp viên cũng sẽ có biện pháp cứng rắn để không làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh.

Nhiều đêm giao thừa khóc vì nhớ con 

Mỗi chuyến tàu từ Bắc vào Nam thường kéo dài 4-5 ngày. Sau chuyến đi dài ngày đó, chị Hoa cũng như các anh chị em đoàn tiếp viên sẽ được nghỉ 3-4 ngày luân phiên nếu không có công việc đột xuất.

Những ngày được nghỉ, chị luôn tranh thủ làm shipper để có thêm thu nhập. Nhiều người khen chị chăm chỉ nhưng chị chỉ cười. Bởi chị hiểu, có thêm thu nhập tức là con cái, gia đình của chị đỡ vất vả hơn.

Hơn 20 năm làm nghề, nữ tiếp viên kể chuyện khó quên trên chuyến tàu Bắc - Nam - 3

Mâm cơm cúng giao thừa trên chuyến tàu Tết.

"Lúc ở nhà cũng rảnh rỗi nên mình nhận thêm mấy việc giao hàng. Mình thấy công việc này vừa nhẹ nhàng vừa có thêm thu nhập nên không có gì phải ngại cả. Mình không ngại khó, ngại khổ, chỉ cần là công việc chân chính, kiếm ra tiền thì sẵn sàng đón nhận", chị Hoa nói.

Hai con của chị hiện đã lớn, có thể tự lo nên so với nhiều năm trước, chị Hoa cũng bớt vất vả hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn.

Trải qua 21 năm làm việc ở Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội và cũng rất nhiều năm đón giao thừa trên tàu nhưng mỗi khoảnh khắc bước sang năm mới, chị Hoa vẫn rơi nước mắt vì nhớ nhà.

Chị kể, những năm chị mới bước chân vào nghề, con còn nhỏ, gần đến giao thừa là nước mắt không ngăn lại được. Hiểu rằng công việc phải vậy và người làm nghề như chị phải chấp nhận nhưng cảm xúc tự nhiên khó giữ.

Hơn 20 năm làm nghề, nữ tiếp viên kể chuyện khó quên trên chuyến tàu Bắc - Nam - 4

Mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ, quên nỗi buồn không được sum họp cùng gia đình ngày Tết.

Lâu dần chồng và các con của chị cũng quen với sự vắng mặt của mẹ trong đêm giao thừa. Chúng chỉ biết cầm điện thoại lên gọi cho mẹ, chúc Tết mẹ trên tàu. Nhìn khuôn mặt của các con, chị chỉ mong nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, trở về nhà, sum vầy năm mới.

"Năm đó, tôi theo tàu Bắc - Nam, trên tàu có khá nhiều khách đi giao thừa. Nhìn họ gọi điện chúc Tết cho gia đình, người thân mà nước mắt tôi tuôn rơi. Khoảnh khắc ấy, ai mà không xúc động?

Có ai mà không mong trong thời khắc sang năm mới được ở bên cạnh gia đình? Lúc các con gọi điện, tôi cứ thế khóc rồi hẹn ngày về. Các con còn tự đặt cho mình cái tên hài hước là 'tổ xa mẹ' vì rất nhiều năm rồi những ngày quan trọng, tôi không được ở nhà cùng chúng", chị Hoa kể.

Cũng may mắn, trên mỗi chuyến tàu Tết, tất cả các nhân viên đều được đón giao thừa chung. Trưởng tàu sẽ đi chúc Tết từng người. Nhiều vị khách hớn hở khi được chúc Tết.

"Có nhiều người còn lì xì cho các anh em trong đoàn chúng tôi. Trưởng tàu sẽ đại diện mời các vị khách có mặt trong chuyến tàu đêm 30 xuống đón giao thừa cùng anh em ở toa hàng ăn.

Giây phút ấy, tất cả là một gia đình, cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe. Khoảnh khắc ấm áp ấy khiến chúng tôi quên đi nỗi cô đơn khi phải xa gia đình vào chính đêm giao thừa", chị Hoa nghẹn ngào.

LTS: Có người từng nghĩ, nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt là những công việc nhàn hạ, ổn định, lại được rong ruổi qua nhiều vùng đất. Thực tế, đó là những công việc gian nan, vất vả và có không ít hiểm nguy. Tuy nhiên, như các nghề khác, nghề lái tàu hay làm tiếp viên đường sắt cũng có những nốt trầm, nốt thăng, có vui, có buồn, có nụ cười và cả những giọt nước mắt.

Trong quá trình thực hiện loạt bài về nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt này, phóng viên VietNamNet đã có những cuộc trò chuyện thân tình, đầy ý nghĩa với những người có thâm niên trong nghề. Từ những chia sẻ chân thực, thẳng thắn của các lái tàu, tiếp viên đường sắt "lão luyện" ấy có thể thấy được phần nào bức tranh về công việc của họ với nhiều cung bậc cảm xúc. 

Theo vietnamnet.vn