1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Học nghề dễ kiếm việc hơn tốt nghiệp Đại học"

(Dân trí) - Không nhất thiết các cơ sở dạy nghề đều phải nâng cao hệ đào tạo lên Cao đẳng hay đại học bởi hiện nhu cầu lao động có nghề trong xã hội còn rất lớn.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động về thực tế nhu cầu lao động tại Việt Nam hiện nay.

Nghịch lý thiếu và thừa

Trước thông tin, kể từ năm nay, tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm trung cấp công nhân, cao đẳng nghề đều có thể liên thông lên đại học. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được thi lên hệ cao đẳng nghề của trường, thi vào các trường cao đẳng, đại học khác. Bà Vân cho rằng, học sinh và các cơ sở dạy nghề cần cân nhắc và khảo sát về nhu cầu của xã hội

"Học nghề dễ kiếm việc hơn tốt nghiệp Đại học" - 1
Nhu cầu nhân lực trong các khu công nghiệp rất lớn, trong khi vẫn còn một bộ phận thanh niên đang thất nghiệp. (Ảnh minh họa)
 
Bởi hiện lực lượng qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta chỉ chiếm 24,7% dù có cộng thêm số lượng nhân lực theo dạng được truyền nghề từ các nghề truyền thống thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng từ các khu công nghiệp đang phát trển rất nhanh trên toàn quốc.

Giải thích về nghịch lý đang diễn ra, trong khi nhiều khu vực sản xuất liên tục kêu than “khát” nhân lực, thì số lao động thất nghiệp trên toàn quốc vẫn còn khoảng 2%, riêng khu vực thành thị có tới 5% số lao động không có việc làm, bà Vân đưa ra thống kê: Trong số này chiếm không nhỏ là đối tượng đã tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học. Nguyên nhân do những đối tượng đã tốt nghiệp ở trình độ cao đều muốn làm việc ở những đơn vị sử dụng chuyên môn đã được đào tạo. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị lượng cung đã vượt quá cầu quá lớn. Vì thế số dư dôi đó phải loay hoay đi tìm việc khác phù hợp với mình. Số còn lại do trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của nơi tuyền dụng nên cũng trong tình cảnh thất nghiệp.

“Trong khi đó, số lao động đã qua đào tạo nghề rất ít khi thất nghiệp bởi ngay từ khi còn học trong trường họ đã nhận được thông tin cần tuyển từ các nhà máy, khu chế xuất.

Khó khăn giải quyết vấn nạn “thừa thầy thiếu thợ”

Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn diễn ra từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành lao động đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề trên toàn quốc”- Bà Vân nói.
 
Một trong những hoạt động nhằm tăng cường cơ hội để cung và cầu về lao động trong xã hội tiến đến gần nhau hơn, sàn giao dịch việc làm do ngành lao động quản lý cũng đã được triển khai. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều có các sàn giao dịch việc làm. Trong đó, có 44 sàn đang hoạt động định kỳ, thường xuyên với tần suất 1 phiên/tháng, nhiều trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm với tần suất 2 phiên/tháng.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia các sàn giao dịch việc làm hoạt động  chưa có hiệu quả. Thống kê mới nhất từ hoạt động cho thấy: Tỷ lệ tìm việc qua trung tâm mới chỉ đạt 14%; tỷ lệ người sử dụng lao động qua trung tâm cũng mới chỉ đạt 16,4%.

Chỉ có ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng…người dân mới đến sàn giao tìm việc làm. Người dân ở càng ở vùng sâu vùng xã thì cơ hội tiếp cận với thông tin việc rất ít ỏi. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn thực trạng số lao động không có nghề hoặc không có việc làm ở nước ta vẫn ở mức cao.

“Chúng tôi đã thực hiện việc chuyển thông tin từ sàn giao dịch trung tâm xuống các vệ tổ chức vệ tinh cấp quận,huyện để người lao động địa phương có nhiều cơ tiếp cận thêm với việc làm hơn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiên được khảo sát, có bao nhiêu người biết ở địa phương mình cũng có có Trung tâm giới thiệu việc làm qua sàn giao dịch”- Bà Vân cho biết.

Dù vậy kết quả thực hiện thành công đến đâu cần có thực tế để chứng minh. Hiện tại nhiều các doanh nghiệp khẳng định họ thường xuyên tự tuyển dụng nhân lực bằng nhiều cách khác nhau, chứ dám trông chờ  nhiều từ nguồn qua sàn giao dịch.

 Phạm Thanh