1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Học gì để không thất nghiệp mùa dịch Covid-19?

Đó là một trong những băn khoăn của nhiều học sinh hiện nay khi lựa chọn trường mình theo học sau khi tốt nghiệp THPT và định hướng cho nghề nghiệp tương lai.

Hàng năm, vào mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, ngoài áp lực ôn thi thì việc chọn trường, chọn ngành học cũng là một trong những khó khăn không nhỏ đối với cả học sinh lẫn phụ huynh. Đứng trước ngưỡng cửa quyết định này, "Học gì để không thất nghiệp?" là câu hỏi chung của nhiều học sinh THPT hiện nay.

Nên chọn ngành, trường học phù hợp theo sở thích, năng lực

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, có 900.152 thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước, trong số đó, 51.712 (chiếm 5,74%) là thí sinh tự do.

Đáng chú ý, trong tổng số hơn 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 643.122 em đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc nghỉ học dài ngày và học trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp đã phần nào gây xáo trộn tới nếp học tập của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp THPT trên trong cả nước.

Theo các chuyên gia, việc học tập ở trường bị gián đoạn là một khó khăn, tuy nhiên, khi không đến trường, không đi học thêm lại là dịp để các học sinh cuối cấp có thời gian tìm hiểu, dự định các trường, ngành học cho hướng đi sắp tới qua các kênh tư vấn trực tuyến, qua các phương tiện truyền thông.

Học gì để không thất nghiệp mùa dịch Covid-19? - 1

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của học sinh

Báo cáo cho thấy, hiện nay, các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học trên cả nước đang đào tạo khoảng trên 1.100 nghề ở bậc Trung cấp và Cao đẳng, gần 600 nghề bậc Đại học. Vì vậy, mỗi học sinh có thể tự tìm hiểu, cân nhắc để quyết định chọn trường, lựa chọn hướng đi cho nghề nghiệp tương lai của mình.

Theo các chuyên gia, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng, đa trình độ, do đó, mỗi học sinh có thể yên tâm chọn ngành, trường học phù hợp sở thích, năng lực.

Bằng cấp mà các em có được phải đi đôi với giá trị nghề nghiệp thì các em mới có thể đứng vững trong thị trường lao động. Để được như vậy, các em nên chọn một ngành nghề theo sở trường, ngành mà mình mong muốn hướng đến để có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn.

Nỗi lo thất nghiệp khi ra trường mùa dịch Covid-19

Dịch Covid-19 có thể sắp qua đi, tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng nghề nghiệp đối với các tân cử nhân lại đang đến gần. Thị trường việc làm được dự đoán sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn khi các công ty đều đang cắt giảm nhân sự.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quý II vừa qua là thời điểm có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, có sự khác biệt là trong khi tỷ lệ thất nghiệp quý II của nhóm lao động không hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp tăng so với quý trước, ở nhóm có trình độ từ trung cấp trở lên lại giảm. Trình độ chuyên môn là rào cản khiến người lao động khó tiếp cận công việc thay thế đang là một thực tế của nhiều lao động mất việc mùa dịch.

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 7/2020, 50.000 lao động đã được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, số lượng lao động kết nối việc làm thành công chỉ khoảng 7.000 người, tương đương gần 15%.

Để con số gần 15% này thực sự ổn định công việc, đảm bảo cuộc sống, có lẽ, ngoài gánh nặng kinh tế, người lao động sẽ phải nghĩ đến việc cải thiện trình độ chuyên môn cho những biến động tiếp theo của thị trường lao động.

Học gì để không thất nghiệp mùa dịch Covid-19? - 2

Vấn đề việc làm sau khi ra trường là mối quan tâm hàng đầu của các tân cử nhân trong mùa dịch Covid-19

Cùng chung nỗi lo với những người phải nghỉ việc do cắt giảm nhân sự bởi ảnh hưởng từ Covid-19 là những tân sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Họ không chỉ phải cạnh tranh với chính các sinh viên ra trường khác như những năm trước mà còn phải đối đầu với những người đã có kinh nghiệm trong thị trường việc làm.

Thành tích học tập xuất sắc giờ không còn là vũ khí đủ mạnh để giành được công việc mà họ mong muốn. Vì vậy, để đáp ứng được cuộc chơi mới, các tân cử nhân cần có một chiến lược khác.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, 38% thanh niên không chắc chắn về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của họ khi cuộc khủng hoảng dự kiến sẽ tạo ra nhiều trở ngại hơn trên thị trường lao động và kéo dài thời gian chuyển tiếp từ trường học sang nơi làm việc. Một số người đã cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp. Trung bình cứ 6 thanh niên thì có 1 người phải ngừng việc kể từ khi đại dịch bùng phát.

Nhiều lao động trẻ tuổi có xu hướng được tuyển dụng vào những công việc bị ảnh hưởng nhiều hơn, ví dụ như hỗ trợ, dịch vụ và công việc liên quan đến bán hàng, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước hậu quả kinh tế của đại dịch.

Theo các chuyên gia, chỉ chọn ngành đúng thôi thì chưa đủ, cần cân nhắc lựa chọn một môi trường đào tạo để chuẩn bị tốt nhất trình độ chuyên môn, kỹ năng, tâm thế cho những lao động tương lai mới là điều kiện đủ.