Học nghề - khám phá những điều thú vị

Học nghề có những điều thú vị riêng mà không phải môi trường giáo dục nào cũng có. Đó cũng là điểm khác biệt giữa môi trường giáo dục nghề nghiệp với môi trường giáo dục đại học và giáo dục phổ thông.

“Đặc sản” của học nghề

Từng là sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, Nguyễn Văn Tấn quyết định chuyển sang học nghề. Hiện Tấn là sinh viên lớp CDT 13 CLC, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Chia sẻ lý do về sự rẽ ngang này, Tấn bộc bạch: “Sau 2 năm học đại học, em cảm thấy môi trường học không phù hợp với bản thân, mặc dù chất lượng đào tạo của trường rất tốt. Ở trường chúng em được đào tạo khá nặng về lý thuyết và chủ yếu là nghiên cứu. Trong khi bản thân em thích được học thực hành và làm việc với máy móc nhiều hơn. Ngoài ra, em cũng thấy tình trạng sinh viên ra trường gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm, nhiều anh chị phải làm việc trái với ngành nghề được đào tạo; hoặc nếu làm đúng ngành nghề thì doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại”.

Trong giai đoạn nghỉ để chuyển trường, Tấn xin đi làm ở các nhà máy, để làm quen với môi trường làm việc sau này và tích lũy một số kỹ năng cần thiết. Theo Tấn, học ở trường nghề có những thú vị riêng mà trường đại học không thể có được.

Ở trường nghề, Tấn được đào tạo trực tiếp theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để thuần thục kỹ năng và được thực hành trực tiếp trên máy móc, thiết bị hiện đại. “Nhà trường chú trọng đến năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, để khi ra trường, chúng em có thể làm việc được luôn và có thể khởi nghiệp từ chính ngành nghề mình được đào tạo”, Nguyễn Văn Tấn chia sẻ.

Chọn được môi trường học tập phù hợp - như “cá gặp nước” - Tấn đã phát huy được năng lực, sở trường của mình. Hiện Tấn được nhà trường lựa chọn để tham gia huấn luyện đội tuyển đi thi kỹ năng nghề cấp quốc gia. “Mục tiêu của chúng em là giành được Huy chương Vàng, để tiếp tục tham gia Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới”, Tấn cho biết.

Còn với Nguyễn Văn Hùng - sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, điểm thú vị nhất của học nghề là kiếm được tiền khi đang học. “Trong khi nhiều bạn bè học đại học phải đi làm thêm bằng cách chạy bàn tại các quán cafe, nhà hàng hoặc đi phát tờ rơi quảng cáo thì chúng em có thể làm part-time bằng chính chuyên ngành mình được đào tạo ngay từ năm học thứ hai”, Hùng chia sẻ.

Cũng theo Hùng, đi làm thêm giúp em có thêm kiến thức thực tế. Gặp “ca” nào khó, Hùng có thể gọi điện cho bạn bè, thầy giáo để được hỗ trợ, thậm chí mang về để thầy – trò tìm cách giải quyết. Những lúc như thế, bạn bè, thầy giáo đều là đồng nghiệp của nhau. Đây cũng được coi là “đặc sản” của môi trường giáo dục nghề nghiệp.

Học nghề - khám phá những điều thú vị - 1

Nguyễn Văn Tấn (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên của đội tuyển thi kỹ năng nghề cấp quốc gia. Ảnh: NVCC

Đào tạo kỹ năng là chính

TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định: Không có con đường nào là duy nhất và không phải học đại học, cao đẳng mới có thể lập thân, lập nghiệp. Quan trọng là các em học ngành nào phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Ở các nước phát triển, 70% dân số học nghề, 30% là học đại học. Nhưng Việt Nam, tỷ lệ này theo hình nón ngược. Vành to nhất của chiếc nón là bậc đại học, còn phần chóp là bậc học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp (học nghề). Thực tế, thời gian qua, tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm trái nghề của những người học đại học không nhỏ. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của những người học nghề lại rất thấp.

Theo TS Đồng Văn Ngọc, sự khác biệt của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nói chung là ở phương thức và mục tiêu đào tạo. Nếu như giáo dục đại học thiên về kiến thức hàn lâm, nghiên cứu thì điểm nhấn của giáo dục nghề nghiệp là học kỹ năng là chính.

Người học sẽ được đào tạo các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp, mà ở đó yếu tố thực hành luôn được chú trọng. Nói cách khác, học nghề không thiên về kiến thức lý thuyết, mà lý thuyết của học nghề là kiến thức thực tiễn. Có những em học ở bậc phổ thông không giỏi, nhưng vào trường nghề lại là sinh viên xuất sắc, bởi các em có năng lực và kỹ năng nghề nghiệp. Đó là sự khác biệt và cũng là điểm thú vị của học nghề.

Viện dẫn một thực tế, TS Đồng Văn Ngọc cho hay: Nhiều em học nghề kỹ thuật điều hòa máy lạnh không khí, sang năm thứ hai, khi học sâu về chuyên môn có thể mua bộ đồ để hành nghề. Nhiều em nhận bảo dưỡng, bảo trì điều hòa cho các gia đình. Chỉ cần chịu khó, có đạo đức nghề nghiệp, tác phong tốt, các em có thể kiếm được 1 triệu/ngày và thu nhập 20 triệu/tháng là điều không khó. Hay như mùa dịch Covid-19, nhiều học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã kiếm được tiền từ dịch vụ thương mại điện tử. Các em đã thiết lập và quản trị dịch vụ này khá tốt.

“Học nghề xong, các em hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ chính những gì mà mình được đào tạo” - TS Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Đây cũng chính là lý do nhiều em đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học lại rẽ ngang sang học nghề. Đơn cử, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trung bình mỗi năm có khoảng 20 em đã tốt đại học hoặc đang học đại học chuyển về trường để được đào tạo. 

Tấm bằng chỉ là tờ giấy thông hành, vì thế dù học ở trình độ nào, các em cũng cần có năng lực nghề nghề nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp sau này. Đối với học nghề, việc đào tạo các tiêu chuẩn nghề nghiệp được thực hiện bài bản, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Đó cũng là điểm khác biệt của học nghề và cái hay của học nghề cũng nằm ở chỗ đó. - TS Đồng Văn Ngọc

Theo Minh Phong

Giáo dục thời đại