1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Lắk:

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trồng thử nghiệm hoa ly lên mảnh đất nắng gió Đắk Lắk, bà con ở vùng đất đỏ bazan bất ngờ bội thu mùa Tết.

Hoa ly "cháy hàng" dịp Tết

Vào chiều cuối năm âm lịch, tại vườn hoa ly của anh Đặng Anh Trung (50 tuổi, ngụ TDP 15, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), hàng chục nhân công đang hối hả cắt hoa để kịp đóng cho các đầu mối, thương lái đã đặt hàng hoa Tết.

Phía trong nhà, anh Trung phải huy động vợ con, họ hàng hỗ trợ phân loại, đóng gói hoa để xếp thùng vận chuyển xuống TPHCM cho các mối hàng đã đặt cọc tiền từ trước.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 1

Hoa ly nở đúng dịp Tết mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Gia đình anh Trung làm nghề sản xuất kẹo thèo lèo từ nhiều năm nhưng mức thu nhập chỉ ở mức trung bình rất khó để có khoản tiền để dành. Từ 2 năm qua, anh Trung mạnh dạn dành 3.000m2 đất để đầu tư trồng hoa ly. Trong niên vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, gia đình anh bất ngờ thắng lớn.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 2

Anh Trung phấn khởi vì trúng vụ hoa Tết.

Vụ hoa Tết năm nay, gia đình anh đã trồng trên 35.000 củ ly và may mắn đã chăm sóc, căn chỉnh thời gian để thu hoạch hoa đúng thời điểm "vàng" để bán Tết.

"Năm nay hoa ly "cháy hàng" nên các mối gọi liên tục gọi gia đình anh để đặt từ rất sớm. Hoa ly được chúng tôi phân phối không chỉ cho các cửa hàng, mối lái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà còn được thị trường TPHCM rất ưa chuộng", anh Trung cho hay.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 3

Hoa ly được phân loại, đóng gói cẩn thận.

Nhìn những đóa hoa ly rực rỡ khoe sắc, ít ai biết được gia đình anh Trung đã có một công đoạn công phu bảo quản củ giống trong kho lạnh. Do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình không nhập củ giống từ nước ngoài về được như thời gian trước. Sau khi bảo quản những củ ly được mang gieo vào lòng đất, chăm sóc và lại tiếp tục tái sinh, giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Được biết, gia đình anh đã đầu tư một kho lạnh với giá trên 120 triệu đồng để bảo quản củ. Sau mỗi vụ hoa ly khoảng 60 ngày, anh lại tiếp tục trồng gối đầu vụ tiếp theo. Một bó hoa ly 10 cây  bỏ mối bán Tết giá 100.000 đồng, mang lại mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 4

Người nông dân chăm chút, tỉ mỉ với từng cành ly.

Thu nhập trăm triệu đồng từ đóa hoa ly

Đối với hộ anh Phạm Văn Hiển (47 tuổi, ngụ phường Khánh Xuân) được biết đến là một trong những người mang hoa ly đầu tiên trồng thử nghiệm ở TP Buôn Ma Thuột. Anh Hiển có thâm niên hơn 20 năm trồng hoa ly ở Mê Linh (TP Hà Nội), sau khi được một người bạn giới thiệu vào Tây Nguyên lập nghiệp anh đã mạnh dạn mang hoa ly vào trồng tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên từ 3 năm nay.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 5

Anh Hiển thành công khi mang hoa ly từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột trồng.

Với diện tích 10.000m2, mỗi năm anh Hiểu xuống giống 7-8 lứa. Trong đó, mỗi vụ anh trồng khoảng 50.000 cây với chi phí đầu tư, chăm sóc tổng cộng khoảng 200 triệu đồng.

Anh Hiển cho biết, nếu mua hoa ly giống sẽ có giá từ 8.000-12.000 đồng/cây, nhưng áp dụng việc bảo quản lạnh củ giống,  anh tiết kiệm được một nửa chi phí mua giống. Qua đó, trung bình mỗi năm anh lãi từ khoảng 400 triệu đồng từ trồng hoa ly.

Số hoa ly trong vườn anh Hiển năm nay nở muộn nên không xuất bán vào vụ Tết mà sẽ bán vào dịp rằm tháng Giêng tới.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 6

Cả vườn hoa ly sẽ được thu hoạch vào rằm tháng Giêng.

"Tôi nhận thấy hoa ly rất dễ trồng, công chăm sóc lại ít nên rất nhàn rỗi. Không chỉ vậy, thời tiết nắng, gió mà không có rét buốt ở Tây Nguyên giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh, lại không tốn chi phí thuốc men như ở vùng khác. Hoa ly ở đây được theo từng luống ở ngoài môi trường tự nhiên, không phải trồng trong nhà màng nên khi cắt hoa rất bền, tươi được lâu", anh Hiển nói thêm.

Được biết ngoài thu hoạch hoa ly, anh Hiển còn bán củ giống và hướng dẫn, chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng hoa cho bà con nông dân trên địa bàn.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 7

Người dân hối hả thu hoạch hoa ly vì các đơn hàng đặt trước.

Trước khi đạt được vụ hoa thành công như hiện tại, cả hộ anh Hiển và anh Trung từng vướng khó khăn khi phải cắt cả nghìn cành hoa vứt bỏ trong 2 đợt giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021. Hoa đến ngày thu hoạch, xuất vườn nhưng khó khăn trong đi lại kèm theo việc buôn bán của các cửa hàng ngưng trệ dẫn tới không ai mua hoa và mỗi hộ chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

"Nếu không vướng giãn cách vì Covid-19, hoa ly hầu như không bao giờ bị ế ẩm. Trồng hoa ly vừa là thú vui tao nhã lại vừa giúp cải thiện kinh tế đáng kể, chúng tôi rất vui vì đã chọn cây trồng đúng hướng", anh Trung phấn khởi.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 8

Trồng hoa ly áp dụng công nghệ bảo quản lạnh củ giống giúp nông dân tiết kiệm chi phí đáng kể.

Ông Phạm Văn Tiến - Cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân (TP Buôn Ma Thuột) - cho biết, mô hình trồng hoa ly của hai hộ anh Trung và anh Hiển đã tiên phong mang hoa ly trồng ở TP Buôn Ma Thuột mang lại hiệu quả kinh tế, được ngành nông nghiệp đánh giá cao. Không chỉ vậy, mô hình cũng được nhiều người dân trong vùng tới học tập, trao đổi, chuyển giao công nghệ.

Hoa ly tiên khoe sắc xuân trên cao nguyên - 9

Những đóa ly rực rỡ sắc màu mang Tết ấm áp cho người nông dân phố núi.