Hỗ trợ suốt đời cho công nhân bị tai nạn lao động
(Dân trí) - Năm 2018, chị Chanh Đa (36 tuổi, người Khmer, quê ở Trà Vinh) bị tai nạn lao động, được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) một lần số tiền 26 triệu đồng.
Bảo hiểm giúp gia đình công nhân vượt qua khó khăn
Chị Thạch Thị Chanh Đa là người dân tộc Khmer, rời quê Trà Vinh lên TPHCM lập nghiệp từ năm 2016. Theo chia sẻ của chị, thời gian đầu đi làm gặp nhiều khó khăn vì không rõ tiếng Việt. Trước khi bị tai nạn, chị đã làm qua nhiều công ty để kiếm sống.
Năm 2018, khi làm việc tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Đại Dũng (Quận 7, TPHCM), chị bị máy dập đai dập vào bàn tay phải. Ngay sau đó, chị được đưa đến bệnh viện điều trị và băng bó vết thương. Chị Đa phải nghỉ làm 7 tháng để dưỡng sức. Trong thời gian này, chị được công ty chi trả mọi khoản chi phí điều trị và bảo hiểm chi trả tiền nghỉ bệnh.
Sau đó, khi đi giám định, kết luận bị thương tật với tỷ lệ 26%, chị Đa được công ty chuyển sang làm tại bộ phận khác, công việc nhẹ hơn.
Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng chi trả một lần, 26 triệu đồng tiền mặt cho chị Đa sau lần gặp tai nạn lao động đó.
"Lúc bị tai nạn, tôi hoảng lắm. Nhưng toàn bộ chi phí thuốc men và nghỉ phép sau đó đều được công ty và bảo hiểm hỗ trợ. Tôi bất ngờ hơn khi nhận được 26 triệu đồng bảo hiểm xã hội chi trả sau đó. Mặc dù bị tai nạn nhưng tôi vẫn được đi làm trở lại, được nhận một khoản tiền lớn. Tôi rất cảm ơn công ty và bảo hiểm xã hội," chị Đa nhớ lại.
Sau khi bị tai nạn lao động, làm việc được một thời gian, chị Đa mang thai. Lúc này, chị lại được bảo hiểm chi trả chế độ thai sản. Một thời gian sau đó, bệnh dịch Covid -19 phức tạp, phải tạm nghỉ việc, cuộc sống cũng khó khăn. Chị Đa đã dùng số tiền hỗ trợ từ bảo hiểm để trang trải cuộc sống. Trong thời gian nghỉ việc vì dịch, chị cũng được công ty làm thủ tục để nhận một số tiền từ bảo hiểm thất nghiệp.
"Mỗi tháng tôi chỉ phải đóng hơn 500.000 đồng tiền bảo hiểm, nhưng không ngờ những chế độ thụ hưởng mà tôi được nhận lại rất lớn", chị Đa nói.
Bảo hiểm hỗ trợ suốt đời cho người bị tai nạn lao động
Phan Văn Quang (31 tuổi, quê Sóc Trăng) làm việc tại Công ty TNHH Sunggong Vina (Bình Dương). Anh Quang rời quê lên thành phố làm việc với mong muốn kiếm được công việc có thu nhập cao để gửi về nuôi con và bố mẹ già ở quê. Cuộc sống sẽ ổn định nếu như anh Quang không bị tai nạn lao động vào năm 2018.
Sẽ không bao giờ anh Quang có thể quên được khoảnh khắc khi đang đứng máy in thì bị máy cuốn giấy "ngốn" mất một cánh tay. Đến bây giờ nghĩ lại, anh vẫn nghĩ sự việc như mới chỉ xảy ra hôm qua.
Vì hoàn cảnh khó khăn, khi anh Quang bị nạn, gia đình phải vất vả vay mượn hàng xóm để chạy chữa. Tuy nhiên, khi biết được mọi khoản chi phí thuốc men, điều trị đều được công ty và bảo hiểm xã hội chi trả, cả gia đình thở phào nhẹ nhõm.
Sau điều trị, với thương tật 52%, anh Quang được bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả mỗi tháng số tiền hơn 1 triệu đồng. Đồng thời, công ty cũng sắp xếp để anh làm việc tại văn phòng, không phải đứng máy. Đây là điều mà anh Quang luôn cảm thấy may mắn vì vẫn còn có thể lao động, kiếm tiền nuôi gia đình.
"Hiện tại ngoài lương, tôi còn được nhận thêm tiền từ bảo hiểm nên cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ khó khăn hơn. Mỗi tháng, tôi cũng dành một số tiền nhỏ để gửi về phụng dưỡng cha mẹ ở quê. Các khoản thuốc men, đi tái khám cũng không phải lo vì đã có bảo hiểm. Nhờ có bảo hiểm mà tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn", anh Quang bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Đại Dũng cho biết, sau khi công nhân bị tai nạn điều trị khỏi bệnh, doanh nghiệp thường sắp xếp công việc phù hợp, bố trí nhà ở trong công ty. Toàn bộ chi phí điều trị được công ty và bảo hiểm xã hội chi trả, riêng công đoàn cũng vận động hỗ trợ cho người lao động có một khoản để dưỡng bệnh.
Các chế độ về bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng được công ty thực hiện đầy đủ như chuẩn bị hồ sơ, đưa hoặc hướng dẫn người lao động đi làm giám định thương tật. Hằng năm, các dịp lễ tết, tháng an toàn vệ sinh lao động công ty và công đoàn cũng hỗ trợ quà và một phần kinh phí cho người lao động.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2021 có 63 vụ tai nạn được hưởng trợ cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Tổng số tiền thiệt hại do tai nạn lao động hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí y tế hơn 2,1 tỷ đồng; chi phí trả lương trong thời gian điều trị hơn 2,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường trợ cấp 7,9 tỷ đồng.
Linh Sơn