Hiệu ứng tốt từ công tác tạo việc làm theo hướng "ly nông bất ly hương"

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Bằng những giải pháp phù hợp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tạo công ăn việc làm mới cho nhiều lao động ở địa phương theo hướng "ly nông bất ly hương".

Hiệu ứng tốt từ công tác tạo việc làm theo hướng ly nông bất ly hương - 1

Từng đoàn xe của các nhà máy, doanh nghiệp đưa đón công nhân đi làm.

Như thường lệ mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn trên các con đường thôn nối ra  quốc lộ 1A qua huyện Diễn Châu, đường N5 nằm trên huyện Đô Lương, Nghi Lộc… từng đoàn xe của các nhà máy, doanh nghiệp nối đuôi nhau đưa đón công nhân đã không còn xa lạ với nhiều người. 

Chị Nguyễn Thị Bắc, ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, công nhân Công ty may khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, chia sẻ: "Ngày trước, hai vợ chồng chỉ bám vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Từ khi có công ty may nên vợ chồng đã nạp hồ sơ vào đây làm nên thu nhập khá ổn định. Tiền lương của hai vợ chồng khoảng 10-12 triệu đồng/tháng gấp nhiều lần so với làm ruộng".

Cùng chung niềm vui không phải "ly hương", chị Phan Thị Hoài, ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương bày tỏ: "Sau khi tốt nghiệp phổ thông, gia đình không có điều kiện để thi đại học nên tôi đăng ký học may, sau đó làm việc tại Công ty May Minh Anh trên địa bàn. Công việc phù hợp, thu nhập ổn định và gần nhà nên tôi rất yên tâm làm việc". 

Hiệu ứng tốt từ công tác tạo việc làm theo hướng ly nông bất ly hương - 2

So với nông nghiệp thì làm công nhân sẽ có thu nhập ổn định hơn. 

Trên địa bàn Nghệ An, nhiều huyện đã áp dụng giải pháp lao động theo hướng "ly nông bất ly hương" đã tạo ra nhiều kết quả tích cực. Từ một huyện thuần nông với 68% lao động làm nông nghiệp đến nay Đô Lương là một trong những địa phương làm tốt công việc này.

Toàn huyện có hơn 20.000 lao động tính đến 31/12/2020 đã giải quyết được 14.000 lao động có công ăn việc làm. Trong đó số lao động được đào tạo nghề là khoảng 9.000 người, lao động qua đào tạo là 11.000 người.

Trong những năm qua, nhờ mạnh dạn thu hút đầu tư các doanh nghiệp, hiện tại trên địa bàn huyện Đô Lương có 2 công ty may hằng năm tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động và một công ty sản xuất xi măng với 1.400 lao động thường xuyên.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Bích Thủy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đô Lương cho biết: "Có được kết quả này nhờ chủ trương và nhiều giải pháp tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch lao động. Trong đó ưu tiên phát triển ngành nghề, đưa công nghiệp, thương mại, dịch vụ về nông thôn". 

Hiệu ứng tốt từ công tác tạo việc làm theo hướng ly nông bất ly hương - 3

Nhiều bạn trẻ đã chọn công việc gần nhà thay vì phải tha hương.

Theo bà Nguyễn Thị Quang, Phó chủ tịch UBND Huyện Đô Lương, vào năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện là 2,28%. Nhờ chính sách giải quyết việc làm theo hướng "ly nông bất ly hương", số hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn 1,65%". 

Không chỉ ở huyện Đô Lương mà các địa phương khác, cuộc sống người dân nông thôn giờ không còn quá phụ thuộc vào nông nghiệp.

Toàn huyện miền núi Tân Kỳ có 68.000 người lao động nhờ giải pháp "ly nông bất ly hương" đã giải quyết được hơn 40.000 người lao động có việc làm ổn định ngay trên địa bàn.

Huyện Yên Thành được biết đến là một trong những huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với 67,6% , toàn huyện có 154.00 trong độ tuổi lao động.

Nhờ áp dụng biện pháp trên đến nay chỉ còn 1,3%  số lao động  không có  việc làm thường xuyên, giải quyết việc làm tại địa bàn là hơn 4.000 lao động, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm được 0,55%  tính từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020.

Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo việc làm cho người lao động trong đó phương pháp việc làm theo hướng "ly nông bất ly hương" đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho người dân.