Hệ số lương của người lao động thấp hơn viên chức quản lý

Công ty của ông Lâm Bảo Vân (tnxpvan@...) đang xây dựng thang, bảng lương theo Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Vân đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số vướng mắc liên quan.

Khoản 3, Điều 7 của Thông tư quy định: “Mức lương cao nhất áp dụng đối với chức danh quản lý hoặc chức danh, công việc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao nhất trong công ty.

Công ty căn cứ hệ số lương của viên chức quản lý theo hạng công ty được xếp tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ để so sánh, xác định hệ số lương cao nhất khi xây dựng thang lương, bảng lương, bảo đảm hệ số lương của người lao động thấp hơn hệ số lương của viên chức quản lý, trừ một số lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên gia, nghệ nhân của công ty”.

Ông Vân hỏi, khi xây dựng mức lương của người lao động có bị khống chế mức lương đối với viên chức quản lý điều hành không?

Ví dụ: Công ty ông Vân là doanh nghiệp hạng 3, hệ số lương căn cứ đóng BHXH của ban quản lý điều hành cụ thể sau :

Giám đốc có 2 bậc: bậc 1: 5,32 và bậc 2: 5,65

Phó Giám đốc 2 bậc: bậc 1: 4,66 và bậc 2: 4,99

Kế toán trưởng 2 bậc: bậc 1: 4,32 và bậc 2: 4,66

Khi doanh nghiệp có lãi thì hưởng mức lương: Giám đốc 21 triệu đồng, Phó Giám đốc 18.000.000 đồng, Kế toán trưởng 16.000.000 đồng. Khi doanh nghiệp không có lãi hoặc lỗ sẽ chuyển về hưởng lương cơ sở của Nhà nước là lấy hệ số nhân với mức lương cơ sở như hiện nay 1.150.000 đồng.

Khi xây dựng tiền lương, căn cứ đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng. Nếu doanh nghiệp lỗ hoặc không có lãi thì tiền lương của người lao động hưởng căn cứ vào thang bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

Lúc đó một số người lao động cụ thể là trưởng, phó phòng, những chức danh công việc quản lý tiền lương hưởng sẽ cao hơn ban quản lý điều hành, mặt khác mức lương đóng BHXH của người lao động cũng có thể cao hơn ban quản lý điều hành.

Như vậy có phù hợp không? Bởi vì người lao động làm việc theo hợp đồng, tiền lương căn  cứ vào thang bảng lương theo mức tối thiểu vùng, còn ban quản lý điều hành là viên chức, hưởng lương hệ số theo Nhà nước quy định. Nếu xây dựng mức tiền lương đóng BHXH người lao động cao hơn viên chức quản lý như thế có phù hợp không?

Ông Vân cũng muốn được biết, từ ngày 1/1/2016 có bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng BHXH theo thang bảng lương tự xây dựng không? Nếu bắt buộc như vậy mức lương đóng BHXH sẽ chuyển sang đóng bằng tiền, căn cứ vào thang bảng lương công ty tự xây dựng  không còn đóng theo hệ số, có đúng không? Nếu doanh nghiệp vẫn áp dụng hệ số lương (x) mức lương cơ sở hiện nay (1.150.000 đồng) làm cơ sở đóng BHXH cho người lao động, nhưng vẫn bảo đảm thu nhập người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng, như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông Vân như sau:

Hệ số lương của người lao động thấp hơn viên chức quản lý

Theo quy định tại  Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 thì mức lương cao nhất áp dụng đối với chức danh quản lý hoặc chức danh, công việc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao nhất trong công ty.

Công ty căn cứ hệ số lương của viên chức quản lý theo hạng công ty được xếp tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ để so sánh, xác định hệ số lương cao nhất khi xây dựng thang lương, bảng lương, bảo đảm hệ số lương của người lao động thấp hơn hệ số lương của viên chức quản lý, trừ một số lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên gia, nghệ nhân của công ty.

Căn cứ quy định nêu trên, Nhà nước quy định hệ số lương của người lao động thấp hơn hệ số lương của viên chức quản lý, trừ một số lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên gia, nghệ nhân của công ty; không khống chế về mức lương.

Căn cứ đóng - hưởng BHXH

Theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì các mức lương, phụ cấp lương để đóng, hưởng BHXH đối với người lao động đến hết ngày 31/12/2015 được thực hiện theo quy định và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; từ ngày 1/1/2016 trở đi thực hiện theo quy định của Luật BHXH ngày 20/11/2014.

Căn cứ quy định nêu trên, đến ngày 1/1/2016 khi Luật BHXH (2014) có hiệu lực thi hành, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện đóng - hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH, Bộ luật Lao động.

Theo Chinhphu.vn