Hay ho gì cái chuyện "ăn cháo đá bát"...

Tình cờ gặp một người bạn, trong lúc nói chuyện, anh nhắc đến trưởng phòng của tôi. “Hôm rồi nhậu chung, tôi hỏi thăm tình hình chỗ cậu, nghe tay trưởng phòng nổ quá trời” - anh bạn nói.

Hay ho gì cái chuyện ăn cháo đá bát...

Tôi hỏi “nổ” chuyện gì thì anh không trả lời thẳng mà lại xoay qua hỏi tình hình làm ăn của công ty.
Tôi có thói quen dù ở công ty có chuyện bực mình, thậm chí bất mãn nhưng ra ngoài nếu có ai hỏi, tôi đều nói tốt về cái nơi đã cho mình cơm ăn, áo mặc. Tôi nghĩ đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” chứ không phải bao biện, che đậy chuyện xấu.

Gần đây công ty làm ăn thua lỗ, đời sống anh em có giảm sút nhưng tôi biết ban giám đốc đã rất cố gắng. Dù tình hình vẫn chưa được như thời hoàng kim trước đây nhưng công ty không chậm lương, nợ lương nhân viên đã là đáng quý.

Tôi nói vậy nhưng anh bạn vẫn không tin: “Cậu nói sao chớ tôi nghe ông Trương kể tình hình tồi tệ lắm. Anh em mất lòng tin, nhiều người nghỉ việc, nội bộ mất đoàn kết. Thậm chí, ông Trương còn gọi giám đốc của cậu là “cái thằng đó”. Nghe giọng điệu ông ta thì rõ ràng công ty đang làm ăn bết bát lắm. Hay là cậu qua chỗ tôi?”.

Tôi vẫn một mực: “Làm gì có chuyện công ty bên bờ vực phá sản? Nếu nói khó khăn thì công ty nào không có khó khăn? Chắc anh Trương có rượu vô nên nói hơi quá đó thôi”.

Tuy nói vậy nhưng tôi tin anh bạn không đặt điều bởi tôi rất hiểu sếp trưởng phòng của mình. Trước mặt giám đốc thì tâng bốc, nịnh nọt nhưng quay lưng đi là lật lọng, gọi giám đốc bằng “thằng” liền. “Hay là ông ấy bất mãn muốn nghỉ?” - anh bạn tôi lại dò xét. Tôi thú thật là không biết ý đồ của sếp nhưng trong thâm tâm, tôi không đồng ý với cách hành xử theo kiểu “ăn cháo đá bát” như vậy.

Trước khi chia tay, anh bạn tôi căn dặn: “Nè, nói nghe rồi bỏ chớ cậu đừng hỏi lại ông Trương làm gì”. Anh không dặn thì tôi cũng không hỏi bởi những chuyện như vậy rất tế nhị, thường thì người ta nói cho đã miệng sau đó chối bay, chối biến.

Riêng tôi, dù công ty khó khăn hay thuận lợi, tôi cũng cố gắng làm tròn chức trách của mình. Nếu ngày nào tôi thấy không muốn gắn bó với công ty thì sẽ làm đơn xin nghỉ việc và nói rõ lý do, chứ không ra ngoài nói xấu nơi mình làm việc như vậy.

Trong trường hợp trưởng phòng đọc được những dòng này mà muốn truy xét thì tôi sẽ nói chuyện thẳng thắn với sếp về quan điểm sống của mình.
Theo Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm