Hành nghề không có đạo đức, không ai tôn trọng
Đó là khẳng định của TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội tại diễn đàn khoa học về đạo đức nghề nghiệp.
Ngày 28/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức diễn đàn khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay".
Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề liên quan tới thực trạng đạo đức hành nghề và những yêu cầu đặt ra đối với đạo đức hành nghề tại Việt Nam hiện nay, hướng tới xây dựng các quy định pháp luật, quy tắc về đạo đức hành nghề ở Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình rằng, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề lớn, là những phẩm chất cần có của mỗi người theo đúng những quy tắc chuẩn mực của một nghề nhất định được cộng đồng xã hội thừa nhận nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ của con người trong quan hệ với con người, tự nhiên và xã hội khi hành nghề.
Đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm trong môi trường công việc. Giống như các giá trị, đạo đức nghề nghiệp cung cấp các quy tắc về cách một người nên hành động đối với người khác và các tổ chức trong một môi trường như vậy.
Chính các quy định về đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.
TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, trong phát biểu đề dẫn của mình đánh giá, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.
Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì để chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được các thành viên tôn trọng chấp hành đúng đắn, không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy.
Vì thế, để các quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào thực tế, cần phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định.
Đánh giá chung, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, trong tất cả các ngành nghề, đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lối sống và phong cách tốt đẹp.
TS Lưu Bình Nhưỡng trình bày tham luận tại diễn đàn
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, tích cực thì vấn đề đạo đức con người cũng có những biểu hiện cần phải lên lên án, bài trừ để làm trong sạch môi trường văn hóa.
TSKH Nghiêm Vũ Khải dẫn ví dụ, ở lĩnh vực đạo đức công vụ, công chức, đội ngũ cán bộ công chức ngày càng chuyên nghiệp hơn trong công việc, hiện đại hơn về tác phong, công nghệ nhng cũng bộc lộ không ít yếu kém, tiêu cực, đặc biệt là về phương diện đạo đức.
Những biểu hiện tiêu cực của đạo đức cán bộ công chức hiện nay bộc lộ ở nhiều khía cạnh: Thứ nhất là thái độ hách dịch, cửa quyền và thứ hai là nạn tham nhũng (như tham nhũng thời gian; tham nhũng tài sản công, tiền bạc, tham nhũng quyền lực).
Chính việc tuyển dụng, sắp xếp vị trí làm việc chưa hợp lý, quản lý công chức lỏng lẻo đã vô tình tạo cơ hội cho tình trạng kèn cựa địa vị, tham ô lãng phí, mất đoàn kết nội bộ nảy sinh và cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống.
Sự tha hóa đạo đức của cán bộ công nhân viên chức không chỉ diễn ra trong các cơ quan công quyền, hành chính mà nhìn rộng ra trong một số ngành nghề khác như y tế, giáo dục, kinh doanh, luật... vẫn còn những hiện tượng, những người vì danh lợi, địa vị tiền tài, tự hủy hoại nhân cách, lương tâm của bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến ngành nghề, nơi công tác, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Ngoài sự xuống cấp về đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, viên chức thì đối với các ngành nghề khác, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường nên trong rất nhiều ngành nghề, nhiều người đã vì lợi nhuận mà bất chấp các chuẩn mực đạo đức để cố đạt được lợi nhuận nhiều nhất, đây là một thực trạng đang nhức nhối hiện nay.
Trong phần tham luận, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đặt câu hỏi, vì sao chúng ta có một hệ thống pháp luật dày đặc, thể chế cực mạnh cả về chính trị và pháp lý, đặc biệt có "trăm tay nghìn mắt" các tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội... mà đến giờ vẫn phải bàn đến đạo đức?
Và rồi ông trả lời: Phải chăng đang có nhiều lỗ hổng trong cách hành xử của con người?
Ông kể, khi ông sang Nhật Bản, đến đoạn đường có đèn đỏ không có chiếc xe nào chạy qua và vị giáo sư Nhật Bản đi cùng ông cho biết, ở đây không cần ai đứng ra ngăn cản, xử phạt vì người ta sợ nhất bị nhìn vào mặt. Ông Nhưỡng cũng nói vui, ông mang máy ảnh sang Nhật xem có ai "tè bậy" không thì chụp mang về Việt Nam nhưng không tìm được ai.
"Phải chăng pháp luật của họ nghiêm? Nhưng cùng với đó, nền tảng, bà đỡ lớn nhất của pháp luật vẫn là đạo đức", TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đạo đức nghề nghiệp là thứ đặc trưng cho nghề đó, mỗi nghề có phạm vi riêng để con người hoạt động, người hành nghề không đủ uy tín, không có "cảnh giới" riêng để hành nghề nghĩa là người đó thất bại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh.
"Đạo đức nghề nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu, nhưng căn bản là đặc trưng của nghề. Mỗi nghề có đạo đức nghề nghiệp riêng, không áp dụng máy móc sang nghề khác được..
Có những nguyên tắc đạo đức coi như báu vật của một nghề mang tính nội bộ. Đạo đức vừa là bà đỡ của pháp luật, đồng thời là mục tiêu của xã hội. Khi hành nghề con người vươn tới sự tốt đẹp, trượng nghĩa ; hành nghề không có đạo đức thì không ai tôn trọng", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Bàn về một số giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay, Ths Bùi Kim Tuyến (Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam) cho rằng cần thiết phải tăng cường quản lý hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động, chỉ đạo và kiểm tra.
Để thực hành đạo đức nghề nghiệp, cần xây dựng được bộ tiêu chí đạo đức nghề nghiệp chuẩn với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi. Tiêu chí đạo đức nghề nghiệp phải dựa trên đánh giá thực trạng của ngành lĩnh vực, đánh giá các yếu tố bên trong, bên ngoài có thể tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, có sự so sánh với chuẩn mực đạo đức hiện hành.
Các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp cần được công khai áp dụng với tất cả những người hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực. Việc học tập, quán triệt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp phải tiến hành thường xuyên liên tục, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, không mang tính hình thức mà luôn bám sát thực tiễn, khuyến khích, nêu gương các tấm gương tiêu biểu, phải tạo thành văn hóa công sở, thành động lực để mỗi người cùng phấn đấu.
Bên cạnh đó, theo Ths Bùi Kim Tuyến, cán bộ, nhân viên phải thường xuyên nâng cao năng lực, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp; gắn kiểm tra giám sát với khen thưởng kỷ luật.
Theo Thành Luân/Báo Đất Việt