1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất

Đặng Dương

(Dân trí) - Sự việc xảy ra tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông) khi địa phương này quyết định thu hồi 65 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân xã Đắk Som do đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Khắc phục hậu quả cấp sai sổ đỏ

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã thực hiện kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện dự án đầu tư Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại xã Đắk Som (huyện Đắk Glong)

Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông khẳng định, trong giai đoạn từ 2003-2020, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Viện) đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ và để mất 2.000ha rừng.

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất - 1

Khu vực thu hồi GCNQSDĐ của người dân nằm ngay gần Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Nhiều diện tích đất đang thuộc quyền quản lý của Viện đã bị các ngành chức năng huyện Đắk Glong tham mưu và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân. Đáng chú ý, nhiều GCNQSDĐ thể hiện mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm nhưng trên bản đồ quy hoạch là đất lâm nghiệp.

Thực hiện kết luận này, UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) mới đây đã có quyết định thu hồi 65 GCNQSDĐ đã cấp cho các hộ dân tại xã Đắk Som.

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất - 2

Đây là khu vực được cấp GCNQSDĐ cho 65 hộ dân, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện việc thu hồi các GCNQSDĐ cấp sai, huyện Đắk Glong yêu cầu hộ gia đình có trách nhiệm nộp lại GCNQSDĐ để thực hiện thủ tục thu hồi theo quy định.

Ngoài ra, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, UBND xã Đắk Som cũng được yêu cầu không thực hiện thủ tục hành chính đối với các GCNQSDĐ đã cấp không đúng quy định của pháp luật nêu trên.

Nhiều hộ dân lo không còn đất làm ăn

Những ngày này, gia đình ông K'Hai (bon Păngso, xã Đắk Som) luôn sống trong tâm lý bất an khi có 2,1ha đất nằm trong diện bị thu hồi.

Theo ông K'Hai, diện tích đất trên được gia đình ông khai hoang, canh tác từ những ngày mới thành lập xã Đắk Som (năm 1994). Sau nhiều năm canh tác, năm 2012, gia đình ông được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất - 3

Ông K'Hai và hàng chục hộ dân khác đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất.

Đặc biệt, dù đã có nhiều thế hệ sinh sống tại xã Đắk Som nhưng không ai trong gia đình ông K'Hai biết được mảnh đất của gia đình thuộc quy hoạch đất rừng.

"Đây là mảnh đất do ông bà để lại nên khi được cấp GCNQSDĐ, vợ chồng tôi đã thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đắk Nông để vay số tiền 300 triệu đồng. Bây giờ chúng tôi không biết xoay tiền ở đâu để rút sổ về, nộp lại cho huyện", ông K'Hai lo lắng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sang (bon B'Nơr, xã Đắk Som) cũng bị thu hồi 2 GCNQSDĐ. Tuy nhiên hiện cả 2 GCNQSDĐ này đã được gia đình bà thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Đắk Nông để vay số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất - 4

Bà Nguyễn Thị Sang canh tác từ năm 1996 trên phần đất thuộc diện phải thu hồi.

"Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định mà chỉ biết thông qua các kênh thông tin đại chúng. Riêng về 2 cuốn sổ (GCNQSDĐ) thuộc diện thu hồi, đó là giấy tờ pháp lý cho những diện tích đất sản xuất lớn nhất của gia đình, nơi chúng tôi trồng cây nông lâm kết hợp từ năm 1996 tới nay. Nếu bị thu hồi, gia đình chúng tôi và hàng chục người lao động địa phương không biết sẽ làm gì để sinh sống", bà Nguyễn Thị Sang cho biết thêm.

Theo báo cáo sơ bộ của ngành chức năng, hiện nay nhiều GCNQSDĐ đã được người dân thế chấp vay vốn ngân hàng, cho tặng hoặc sang nhượng… Chính vì thế, mặc dù UBND huyện Đắk Glong đã ra thời hạn nộp lại GCNQSDĐ trước ngày 30/6/2022 nhưng đến nay chưa có cá nhân nào tự nguyện nộp lại.

Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ không còn đất sản xuất - 5

Theo kết luận thanh tra, khu vực đất thu hồi đã được quy hoạch làm đất lâm nghiệp nhưng hiện nay lại thể hiện là đất trồng cây lâu năm.

Ông K'Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết, phần lớn các hộ dân có GCNQSDĐ bị thu hồi là đồng bào dân tộc thiểu số, đã sinh sống ổn định trên đất hàng chục năm qua.

Đặc biệt, qua rà soát, có khoảng 50% số hộ đã thế chấp ngân hàng để vay vốn, đầu tư sản xuất nên việc thu hồi GCNQSDĐ sẽ rất khó khăn và mất thời gian vì nhiều gia đình chưa đủ khả năng trả nợ.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cho biết, song song với việc khẩn trương thu hồi các GCNQSDĐ cấp sai, UBND huyện chỉ đạo cá nhân, tổ chức liên quan kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời, UBND huyện giao UBND xã Đắk Som gửi thông báo đến từng hộ gia đình, cá nhân có tên trong danh sách, yêu cầu nộp lại GCNQSDĐ.

"Việc thu hồi sẽ tác động tới đời sống của người dân như không được thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, không thừa kế, chuyển nhượng, góp vốn … Chính vì thế, sau khi thu hồi GCNQSDĐ, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND xã Đắk Som rà soát các hộ dân đưa và thực hiện các chính sách hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu quốc gia nếu đủ điều kiện", lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong thông tin thêm.

Liên quan đến diện tích đất có 65 GCNQSDĐ bị thu hồi, theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến đối với việc thu hồi đất và giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng.

Sau khi UBND tỉnh thu hồi, giao về cho địa phương quản lý, UBND huyện Đắk Glong sẽ xử lý đối với diện tích đất này theo các quy định pháp luật.