Hàn Quốc truy bắt lao động “chui”

Đại sứ quán Việt Nam kêu gọi công dân, lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ra trình diện, tự nguyện về nước để tránh bị bắt giữ, xử phạt

Thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết trước tình hình người nước ngoài phạm tội có chiều hướng gia tăng tại Hàn Quốc, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won vừa quyết định triển khai chiến dịch truy bắt người nước ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước này.

Quyết liệt truy bắt

Theo thống kê sơ bộ của chính phủ Hàn Quốc, hiện số lượng người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này hơn 200.000. Gần đây, tình hình phạm tội gia tăng ở nhóm đối tượng này, trong đó có việc người nước ngoài câu kết lập băng nhóm tội phạm, gây mất an ninh xã hội, bất an cho người dân. Sau khi thảo luận tình hình tại hội nghị định kỳ chính sách quốc gia vào tháng 3-2015, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong -won đã quyết định triển khai chiến dịch trên.
Người lao động tại TP HCM trong một lần đăng ký hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc

Người lao động tại TP HCM trong một lần đăng ký hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc

Chiến dịch được tổ chức trên quy mô toàn quốc, duy trì thường xuyên trong năm 2015 với sự tham gia của các lực lượng thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Việc làm và Lao động, Cảnh sát quốc gia, Ủy ban An toàn quốc dân. Tại khu vực Suwon, chính phủ Hàn Quốc cho thành lập “Ban Truy quét toàn diện trên toàn thành phố” và tại khu vực Busan là “Đội Điều tra đặc biệt người di dân”. Trong khi đó, các đội truy quét địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, truy lùng gắt gao những người cư trú bất hợp pháp.

Theo đó, ở những khu vực có 20% người nước ngoài hoặc khu vực tập trung khoảng 5.000 người nước ngoài trở lên sẽ chia nhỏ theo từng đường, ấp, phường để quản lý. Dựa theo đó, Bộ Tư pháp và các cơ quan điều tra kiểm tra lai lịch và bắt giữ ngay nếu phát hiện người nào cư trú bất hợp pháp.

Song song với hoạt động truy bắt, sắp tới đây, cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc kiểm tra gắt gao việc cấp visa và tăng cường kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp lợi dụng đi du lịch, đi hợp tác lao động để trốn ở lại Hàn Quốc.

Kêu gọi lao động về nước

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết bộ đang cập nhật thông tin về chiến dịch trên để có chỉ đạo, đưa ra các biện pháp phù hợp. Theo ông Hòa, việc truy bắt người nước ngoài không ảnh hưởng đến hoạt động xin visa đối với lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép lao động EPS.

“Từ nhiều năm qua, Việt Nam nỗ lực tuyên truyền, vận động người lao động tuân thủ hợp đồng, triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ trốn nhưng tình hình này chưa được cải thiện. Việc chính phủ Hàn Quốc mạnh tay xử lý vi phạm là cần thiết, giúp Việt Nam giải quyết tình trạng này” - ông Hòa nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chiến dịch, chính phủ Hàn Quốc đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao các nước tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động công dân, lao động của nước mình ra trình diện, tự nguyện hồi hương. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với các cơ quan chức năng kêu gọi công dân, lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ra trình diện, đăng ký để được hỗ trợ thủ tục, cấp giấy thông hành về nước. Những người ra trình diện sẽ không bị bắt giữ và xử phạt theo chính sách ân xá của chiến dịch.

Chưa bỏ lệnh dừng tuyển lao động Việt Nam. Việt Nam hợp tác cung ứng lao động với Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động EPS từ tháng 8-2004, đến nay đã đưa sang đây hơn 70.000 lao động. Do tỉ lệ lao động phá vỡ hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước quá cao, chiếm trên 50%, nên từ cuối năm 2012, Hàn Quốc dừng tuyển lao động Việt Nam. Bản thỏa thuận hợp tác lao động theo chương trình EPS (hết hạn vào ngày 29-8-2012) đến nay vẫn chưa được ký gia hạn. Trước mắt, việc tuyển dụng chỉ áp dụng đối với lao động hoàn thành hợp đồng về nước theo một bản thỏa thuận đặc biệt dành riêng cho đối tượng này vừa được tái ký lần 2 hôm 10-4.



Theo Báo Người lao động