"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: Còn hơn 20 người bị khống chế, cưỡng bức
(Dân trí) - Còn hàng trăm trường hợp lao động trái phép tại Campuchia, ngành chức năng đang nỗ lực giải cứu và lên phương án hỗ trợ khẩn cấp với những nạn nhân trở về.
Đa số nạn nhân mắc bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia đều có độ tuổi từ 17-26. Phần lớn, họ là những người gặp khó khăn về việc làm, hoặc không có công việc ổn định, khả năng nhận thức và tinh thần thượng tôn pháp luật còn hạn chế nên dễ tin, nghe theo các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.
Nỗ lực giải cứu nạn nhân
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh này đều có công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật, với tổng số 381 trường hợp.
Đặc biệt từ tháng 4 đến nay, tình trạng công dân bị các đối tượng lôi kéo, môi giới, lừa bán vào casino ở Campuchia ngày một nhiều. Hầu hết nạn nhân bị bóc lột sức lao động, thậm chí phải hứng chịu những hình phạt tra tấn trong quá trình làm việc.
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do nhận thức và tinh thần thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Một số trường hợp có tâm lý mong muốn công việc nhẹ nhàng với thu nhập cao nên dễ bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo.
"Bên cạnh đó, mục tiêu của các trung tâm game online, các casino nhắm tới lao động người Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN để nhằm gia tăng cơ hội lôi kéo thêm nhiều người sang Campuchia đánh bạc, mang lại lợi nhuận cho casino…", Trung tá Bình cho biết thêm.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phối hợp, đưa được 179 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia về nước (trong đó 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong sòng bạc, casino, trung tâm game online được giải cứu; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022).
Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, hiện nay vẫn còn 202/381 trường hợp đang lao động trái phép tại Campuchia, trong đó bước đầu xác định có 86 trường hợp xuất cảnh trái phép, 21 trường hợp đang bị khống chế, cưỡng bức lao động trong cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online…
Vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu và phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang Campuchia lao động trái pháp luật; hậu quả của việc công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật.
Đồng thời, tập trung đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây hoạt động lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi lao động trái phép tại Campuchia, phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, xác minh người nhà nạn nhân đang ở sòng bài, casino để tìm hướng xử lý.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ 4 vụ, 8 đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia; kết luận vụ án, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đề nghị truy tố 2 vụ, 2 bị can phạm tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".
Tiếp nhận khẩn cấp, hỗ trợ việc làm cho nạn nhân trở về
Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố, các ngành có liên quan và chỉ đạo phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân trở về sau khi bị lừa bán sang Campuchia.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Người dân cần có ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc trên địa bàn, theo kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương rà soát lại số lao động bị ngược đãi tại Campuchia, hướng dẫn thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân lao động sản xuất trên địa bàn.
Tiếp nhận khẩn cấp nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian lưu trú tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội; đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ và chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người.
Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, số lao động tỉnh này đi làm trái phép ở nước ngoài những năm qua có xu hướng giảm, tuy nhiên các trường hợp xảy ra với phương thức phức tạp hơn. Cụ thể, năm 2020 có 2.370 người, năm 2021 có 385 người, chủ yếu đi làm việc trái phép ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan…
Để phòng tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo đi làm "việc nhẹ, lương cao", Sở LĐ-TB&XH khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thông báo tuyển dụng trên mạng xã hội hoặc những lời tư vấn, hứa hẹn, dụ dỗ của các đối tượng dù đó là người quen.
Người dân cần thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để có thêm các thông tin cần thiết về công việc đang được mời chào, dụ dỗ mà các đối tượng cung cấp; hoặc công an địa phương nếu nhận diện được thông tin tuyển dụng đó có dấu hiệu của hình thức mua bán người.
Người dân có thể liên hệ trực tiếp theo đường dây nóng Quốc gia về phòng, chống buôn bán người do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) quản lý theo số điện thoại 111.
Người lao động ở nước ngoài gặp vấn đề cần trợ giúp có thể phản ánh qua hotline của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) theo số máy 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513).
Lao động Thanh Hóa trước, trong và sau quá trình di cư gặp vấn đề mong muốn cần trợ giúp pháp lý, có thể liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ lao động di cư (MRC) qua số điện thoại 02373.722.940.
Kính mời quý độc giả đọc thêm các bài về hiện tượng người lao động sập bẫy sang Campuchia tìm "việc nhẹ, lương cao" Dân trí đã phản ánh, đăng tải.
"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ buôn người
"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: Phòng tra tấn nơi "địa ngục trần gian"
"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng
Dính bẫy "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia, nhiều nạn nhân treo cổ tự tử
Công an TPHCM lên tiếng về nạn lừa bán người lao động sang Campuchia
Con đường "bán xác" ở sòng bài khi sang Campuchia tìm "việc nhẹ lương cao"
Nữ sinh Phú Yên 2 tuần bị giam lỏng tại Campuchia
Thanh niên bị lừa sang Campuchia làm việc, bị đòi 100 triệu đồng tiền chuộc
Bẫy "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia đều do người Trung Quốc "đạo diễn"
Lên mạng tìm việc lương cao, 5 nữ sinh suýt bị đưa sang Campuchia lao độn