"Hái tiền" với dịch vụ chăm sóc thú cưng
Vật nuôi trong nhà ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong thế giới hiện đại và kéo theo đó là sự phát triển vượt bậc của dịch vụ chăm sóc thú cưng - ngành công nghiệp hái ra tiền.
Trong nhiều thập kỷ qua, việc sở hữu cũng như chi phí dành cho vật nuôi đã và đang tăng lũy tiến. Gia súc được xem như "thú cưng" bắt đầu từ thế hệ sinh ra vào những năm 60 của thế kỷ trước. Họ đã tạo ra xu hướng sở hữu cũng như "nhân cách hóa" vật nuôi, biến chúng trở thành những người bạn thực sự.
Thị trường rộng lớn
Đáp ứng nhu cầu làm thân với những "người bạn bốn chân", ngành công nghiệp thú cưng ở các nước cũng bắt đầu phát triển. Tại Mỹ cũng như các nước châu Âu với tỷ lệ sinh đẻ thấp, vật nuôi đã và đang ngày một phổ biến. Theo số liệu từ American Pet Products Association, có đến 68% hộ gia đình sở hữu thú cưng tại Mỹ trong năm 2016.
Ở Nhật Bản, từ năm 2003, lượng thú cưng thậm chí đã vượt hơn số trẻ em dưới 16 tuổi tại đất nước này. Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 10 triệu người sở hữu thú cưng. Còn tại Trung Quốc, năm nay, số lượng chó cảnh cũng tăng đến 27,4 triệu con, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil.
Theo nghiên cứu của Hãng Nghiên cứu thị trường IDTechEx, đến năm 2019, thị trường vật dụng cho thú cưng sẽ chạm mốc 2,6 tỷ USD. Ở Mỹ, năm 2015, ước tính tổng chi phí dành cho vật nuôi đã lên đến gần 100 tỷ USD. Con số này ở Trung Quốc là khoảng 14,2 tỷ USD, ở Hàn Quốc là 3 tỷ USD vào năm 2015 và sẽ lên đến 5 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường Đông Nam Á xếp tiếp theo với giá trị đạt 1 tỷ USD. Theo Euromonitor International, thị trường châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng chậm nhưng ổn định trong nhiều năm qua.
Một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp thú cưng chính là việc ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế. Tỷ lệ tìm kiếm "đồ chơi cho chó, mèo" trên Google chỉ tăng chứ không giảm. Google Trends cũng cho biểu đồ nhu cầu sở hữu chó con tăng ổn định theo thời gian.
Khám sức khỏe, thức ăn và dịch vụ trông nom hằng ngày là những mảng kinh doanh ăn nên làm ra của thị trường vật nuôi. Bên cạnh đó, với sự đi lên của "thế hệ Y" (những người ở độ tuổi 20-30), các dịch vụ thương mại điện tử, đồ dùng công nghệ ăn theo thú cưng cũng được dự đoán sẽ thành công trong tương lai.
Theo số liệu của CB Insights, từ 2012 cho đến 2016, 486 triệu USD đã được đổ vào chỉ riêng mảng công nghệ dành cho vật nuôi. Và theo ước tính của IDTechEx thì đến năm 2019, thị trường đồ dùng cho thú cưng trên toàn thế giới sẽ vào khoảng 2,6 tỷ USD.
Về dịch vụ sức khỏe và trông giữ, từ 1991 cho đến 2015, tổng chi phí dành cho khám chữa bệnh cho vật nuôi tại Mỹ đã tăng từ 4,9 lên 35 tỷ USD. Khách hàng sẵn lòng chi gần 400 USD để chụp MRI cũng như tiến hành các biện pháp trị liệu khác cho vật nuôi của mình.
Ở Trung Quốc, bình quân một người phải chi 40 - 60 CNY/ngày để trông nom một chú chó và thậm chí là đến 100 CNY/ngày với chó lớn. Còn ở Hàn Quốc, một khóa học 3 tháng tại trung tâm luyện khuyển có giá khoảng 2.000 USD.
Về thực phẩm cho thú cưng, ở Mỹ, trong hơn mười năm qua, doanh số bán ra đã tăng gần gấp đôi, đạt 22 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vòng 5 năm tới với tỷ lệ cộng gộp hằng năm đạt 2,5%.
Lợi nhuận hấp dẫn
Nếu muốn thành công với thị trường thú cưng, bạn nhất thiết phải có tình yêu thương động vật. Bên cạnh đó là một số kỹ năng luyện thú cũng như khả năng marketing để tìm kiếm khách hàng mới. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, thiết kế web cũng như tích hợp công nghệ vào mô hình kinh doanh thú cưng cũng có thể trở nên cần thiết.
Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh mà sẽ xuất hiện các rào cản khác nhau. Đối với những dịch vụ như dắt hoặc trông thú cưng, vốn bỏ ra ban đầu khá thấp. Tuy nhiên, với các loại hình như nuôi, phối giống, chăm sóc "sắc đẹp" hoặc huấn luyện yêu cầu kha khá vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị cũng như chứng nhận an toàn và sức khỏe.
Đặc trưng của ngành có thể đòi hỏi người kinh doanh phải túc trực nhiều giờ để chăm sóc vật nuôi hoặc hy sinh ngày nghỉ lễ và cuối tuần khi khách hàng gửi thú để đi du lịch. Phải mất một thời gian để xây dựng lượng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, khách hàng của ngành dịch vụ này lại khá "dễ thương".
Nếu từng theo dõi các chương trình gọi vốn thực tế như Shark Tank hay Dragons Den ở Mỹ, bạn sẽ thấy không ít sản phẩm hiện đại nhất lại không nhận được nguồn tài trợ như mong muốn. Nguyên do là chi phí phải dùng cho việc hướng dẫn khách hàng sử dụng cũng như bày tỏ tầm quan trọng của sản phẩm khá cao.
Trong khi đó, phần lớn sản phẩm dành cho thú cưng đều không cần đi kèm hướng dẫn sử dụng. Bởi, hầu hết chủ vật nuôi đều biết rõ những gì cần cho "người bạn" của mình và sẵn sàng thử ngay sản phẩm mới nếu cảm thấy có lợi cho thú cưng.
Và một điều đặc biệt mà bất cứ người kinh doanh nào cũng quan tâm, đó là lợi nhuận. Đối với nhà bán lẻ, lãi thu về đạt mức trung bình khoảng 60% là lý tưởng. Thức ăn cho chó, mèo có lãi khoảng 50% và tỷ lệ này ở các vật dụng phổ biến như đồ chơi lên đến 70%. Các đồ dùng khác như vòng cổ, quần áo và phụ kiện cũng thu về lợi nhuận khá, giúp duy trì tỷ lệ lãi trung bình cho ngành công nghiệp thú cưng ở mức cao.
Aaron Hirschhorn và trang dịch vụ chăm sóc thú cưng trực tuyến DogVacay là một ví dụ điển hình cho tiềm năng của ngành công nghiệp này. Bắt đầu từ năm 2012, DogVacay khiêm tốn khởi động với 35.000 USD doanh thu trong năm đầu nhưng bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tiếp theo với mức bán hiện tại đạt 70 triệu USD/ năm.
Có thể thấy, cơ hội thị trường cho ngành nghề này là vô cùng lớn. Theo IBISWorld, tính riêng khoản chi của người Mỹ dành cho thú cưng đã đạt gần 60 tỷ USD trong năm 2015 và con số này sẽ tăng 7% mỗi năm cho đến 2021. Rõ ràng, chăm sóc thú cưng đã và đang là ngành công nghiệp hái bộn tiền.
Theo Doanh nhân Sài gòn