Hải Hậu (Nam Định): Hơn 220 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ

Đức Văn

(Dân trí) - Đến nay, toàn huyện Hải Hậu có 34 trang trại và 188 gia trại do cựu chiến binh làm chủ. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của hội viên cựu chiến binh đã được nhân rộng.

Theo ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hải Hậu, thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội Cựu chiến binh huyện Hải Hậu đã khuyến khích và tích cực hỗ trợ hội viên khai đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Cựu chiến binh các cấp trong huyện đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện triển khai chương trình vay vốn tạo điều kiện cho hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế sản xuất.

Qua đó nhằm từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho hơn 7.000 lượt hội viên, nhận ủy thác cho hội viên vay 59,1 tỷ đồng.

Hải Hậu (Nam Định): Hơn 220 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ - 1

Toàn huyện Hải Hậu có 34 trang trại, 188 gia trại do cựu chiến binh làm chủ. 

Đến nay, toàn huyện có 34 trang trại, 188 gia trại do cựu chiến binh làm chủ. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của hội viên cự chiến binh đã được nhân rộng để hội viên học tập, làm theo.

Tạo việc làm cho hơn 100 lao động

Từ mô hình sản xuất kéo sợi PE, dệt lưới cước đánh cá, phục vụ cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản, cựu chiến binh Trần Ngọc Quân, ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Tân Hưng Long, tạo công ăn việc làm cho 168 lao động, cho thu nhập thường xuyên từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Qua tìm hiểu thị trường, ông Quân nhận thấy sản xuất sợi PE là hướng phát triển có nhiều khả quan. Vì vậy năm 2000, ông đã quyết định dốc hết sức cùng gia đình mở rộng việc sản xuất, kinh doanh, vay vốn đầu tư một dây chuyền sản xuất sợi PE để chủ động trong sản xuất.

Đến năm 2005, ông đã thành lập doanh nghiệp lấy tên “Doanh nghiệp tư nhân Tân Hưng Long” do ông làm chủ doanh nghiệp, ngành nghề chính là sản xuất kéo sợi PE, dệt lưới cước đánh cá, phục vụ cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản.

Thời gian đầu thành lập, doanh nghiệp của ông Quân gặp rất nhiều khó khăn như: Kỹ thuật sản xuất, dạy nghề cho công nhân, nguồn vốn kinh doanh, thị trường tiêu thụ eo hẹp và nhất là cạnh tranh về giá cả và mặt hàng.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Quân cho biết: “ Nhưng sau một thời gian mặt hàng do doanh nghiệp sản xuất có chỗ đứng và đã tạo được uy tín trong và ngoài khu vực. Đến nay, mặt hàng của doanh nghiệp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam để phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản”.

Doanh nghiệp do cựu chiến binh Trần Ngọc Quân làm chủ đã có 2 dây chuyền sản xuất sợi PE, nguyên liệu hạt nhựa PE được lấy từ các nước Trung Đông như: Iran, Ả Rập Xê Út; Quarta và các nước Đông Á, Đông Nam Á như Australia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Doanh nghiệp do cựu chiến binh Trần Ngọc Quân làm chủ cũng tạo công ăn việc làm cho 168 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 18 lao động, lao động gián tiếp là 150 lao động, cho thu nhập thường xuyên từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Làm giàu từ mô hình VAC

Từ 1 ha nhận thầu canh tác, cựu chiến binh Phạm Văn Hùng (xóm 18, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu) đã đào ao nuôi cá truyền thống, xây thêm 10 bể xi măng nuôi ếch Thái Lan, ngoài ra ông còn nuôi hơn 1.000 con vịt thịt.

Hải Hậu (Nam Định): Hơn 220 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ - 2

Nhờ kết hợp mô hình VAC mỗi năm cựu chiến binh Phạm Văn Hùng thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhờ kết hợp mô hình VAC mỗi năm cựu chiến binh này thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, ông ao cá của ông Hùng nuôi gồm cá trắm đen, cá trôi. Bình quân, ông thu hoạch 8 tạ cá/năm. Cứ 3 tháng, ông Hùng còn thu hoạch 2 vạn con ếch Thái Lan trong các bể xi măng.

Để đảm bảo nguồn giống ếch, ông chọn mua giống tại cơ sở tỉnh Ninh Bình. Khi ếch lớn tới trọng lượng 0,25 gram/con sẽ được xuất bán. Với giá thị trường 46 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu được hơn 100 triệu đồng/năm.

Ngoài nuôi ếch, cá truyền thống, ông còn nuôi hơn 1.000 con vịt thịt, cứ 3 tháng lại xuất một lứa, thu về hơn 100 triệu đồng/năm.