Hà Tĩnh: Thu hàng chục triệu đồng mỗi mùa quả trám chín
(Dân trí) - Nhiều năm gần đây, quả trám đen trở thành loại quả được săn lùng như một món ăn đặc sản. Cũng vì thế, nhiều gia đình còn giữ lại được loài cây này đã có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.
Huyện Hương Sơn được xem là thủ phủ cây trám đen của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm hộ dân nơi đây đang sở hữu những cây trám cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, trong đó nhiều nhất là ở các xã Kim Hoa, Sơn Ninh, Sơn Phú…
Quả trám có thể được chế biến thành nhiều món ăn dân dã có hương vị khá lạ như: Trám kho thịt lợn, trám muối, xôi trám, trám xào nhộng ong...
"Trước đây, hầu như nhà nào cũng có cây trám này. Nhà ít thì vài cây, nhà nhiều thì vài chục cây, nhưng chủ yếu để muối ăn, không ai mua nên nhiều gia đình đã chặt bỏ", bà Nguyễn Thị Châu, một người dân ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn cho biết.
Thế nhưng, những năm gần đây, quả trám đen được săn lùng như một món ăn đặc sản. Cũng chính vì vậy, mà nhiều gia đình còn giữ được những cây trám này đã có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Châu cho biết thêm: "Trước đây, nhà tôi có 2 cây rất to, quả rất nhiều nhưng vì không có ai mua nên chặt bỏ mất một cây. Mấy năm nay thì quả trám lại được thương lái thu mua nhiều, với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Châu, với cây trám còn lại, sau khi trừ một ít để ăn thì gia đình bà cũng bán được hơn 4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Toàn (ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn) đang sở hữu 5 cây trám lớn có tuổi đời từ 10-30 năm. Mỗi năm đến mùa, 5 cây trám này cũng mang về cho gia đình gần 15 triệu đồng.
"Những cây trám này được trồng từ rất lâu, phải mấy chục năm rồi, giờ đến mùa là hái bán thôi, không phải chăm sóc gì nữa. Từ loài cây ít người để ý, giờ lại thành đặc sản đấy chú à", ông Nguyễn Văn Toàn cười cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Huế (32 tuổi, tiểu thương ở xã Sơn Phú) thường mua cả cây, sau đó thuê người hái và nhặt quả trám.
"Cây trám thường rất cao, nên mình không thể tự hái mà phải thuê người làm. Ngoài ra, tôi cũng thuê thêm một vài lao động đứng ở dưới gốc cây để nhặt quả trám với tiền công 200.000 đồng/người/ngày", chị Nguyễn Thị Huế cho biết.
Theo tiểu thương này, quả trám được đưa đi tiêu thụ khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh vì rất được ưa chuộng.
Anh Trần Công An (trú ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn) là thợ hái trám lành nghề với hàng chục năm kinh nghiệm. Cứ mỗi lần đến mùa hái trám, anh lại kiếm được một khoản tiền kha khá từ công việc này.
"Do ít người làm công việc này nên cứ đến mùa hái trám, rất nhiều tiểu thương tìm đến để thuê tôi. Có thể họ thuê theo ngày hoặc theo năng suất. Trung bình một ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, thậm chí có ngày lên đến cả triệu đồng", anh cho biết.
Anh Trần Công An chia sẻ: "Cây trám rất cao, cành lại khá giòn, dễ gãy, nếu ai ít kinh nghiệm thì không thể trèo và hái được hết quả trên cây, thậm chí đôi lúc lại rất nguy hiểm. Khi leo cây thì phải đeo đai an toàn".
Theo ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn), những năm vừa qua quả trám được thu mua rất nhiều, nhưng số hộ gia đình có cây trám không còn nhiều.
"Như những năm trước giá trám được bán từ 80.000-90.000 đồng/kg, năm nay có thấp hơn. Có nhiều gia đình một mùa bán được vài chục triệu đồng từ quả trám này, đây là một nguồn thu nhập đáng kể", Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết.