1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Tĩnh: Không còn trường hợp người có công thuộc diện hộ nghèo

Xuân Sinh

(Dân trí) - Mỗi năm Hà Tĩnh chi trả cho gần 44.000 đối tượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng chi phí hơn 900 tỷ đồng, hiện không còn trường hợp người có công thuộc diện hộ nghèo.

Hà Tĩnh: Không còn trường hợp người có công thuộc diện hộ nghèo - 1

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc thăm và tặng quà cho các đối tượng người có công

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, tỉnh đang quản lý và chi trả cho gần 44.000 đối tượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng chi phí hơn 900 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, mỗi năm Hà Tĩnh chi trả hơn 95 tỷ đồng gồm trợ cấp 1 lần, các loại trợ cấp theo chế độ thường xuyên như quà lễ tết, điều trị, điều dưỡng…

Nhờ sự quan tâm, cùng nhiều chính sách mà trong 2 năm qua (2019 và 2020), hà Tĩnh không còn trường hợp người có công thuộc diện hộ nghèo.

Bà Ngô Thị Tâm Tình, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang thực hiện áp dụng hình thức quản lý chi trả theo phương thức: Sở thực hiện giao dự toán cho cấp huyện, cấp huyện ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công 3 bên với UBND xã và người đại diện chi trả được UBND xã, phường lựa chọn.

Hàng tháng căn cứ vào quyết định, Sở thực hiện tăng, giảm đối tượng hưởng thông qua phần mềm quản lý chi trả, chuyển danh sách cho cấp huyện kiểm tra đối chiếu đảm bảo độ chính xác, khớp đúng. Cấp huyện in danh sách, ký phê duyệt và chuyển danh sách và tiền mặt cho cấp xã thực hiện việc chi trả.

Việc chi trả cơ bản được thực hiện hoàn thành trước ngày 5 hàng tháng, đối với đối tượng không thể đến nhận mà không có ủy quyền, cán bộ chi trả sẽ đến tận nhà để chi trả cho người hưởng.

Để công tác chi trả được kịp thời, đúng đối tượng đảm bảo quyền lợi cho người có công và thân nhân thì ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ chính sách, cán bộ chi trả.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chi trả của cấp Sở, cấp huyện, đặc biệt là cấp xã, hàng tháng bố trí cán bộ phòng cấp huyện tham gia giám sát việc chi trả tại cấp xã.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện việc chi trả để làm tăng tính chính xác, hiệu quả quản lý, tiết kiệm thời gian…

Tuy nhiên, công tác chi trả, quản lý công tác chi trả cho người có công cũng gặp không ít khó khăn như: Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi người có công phần lớn đều lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo nên việc đi lại để nhận trợ cấp còn có nhiều khó khăn, trở ngại; Tình trạng ủy quyền nhận trợ cấp gây khó khăn trong công tác quản lý cho cán bộ chi trả.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thì năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đặc biệt như kế hoạch điều dưỡng tập trung cho người có công.

"Theo kế hoạch thì có 3.500 đối tượng người có công được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung, song do dịch bệnh nên chỉ đạt được 80% kế hoạch. Số đối tượng còn lại thì chuyển sang điều dưỡng tại gia. Tức là quyền lợi, chế độ của người có công không ảnh hưởng", bà Ngô Thị Tâm Tình cho biết.

Các cấp ngành Hà Tĩnh luôn xác định thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trước hết là của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đó vừa là truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", vừa là mục tiêu, động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.