Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to

(Dân trí) - Trong khi phần đông người dân đang phải vật lộn với cái nóng gay gắt, nhiều người dân tại một ngôi làng ở Hà Tĩnh lại có thu nhập tốt nhờ... thời tiết đầy khắc nghiệt này.

Dân làng Thịnh Văn (xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) từng nổi tiếng nhiều năm qua với nghề thủ công mỹ nghệ và đan lát. Nhưng những năm gần đây, nghề này đang bị mai một, người dân khó sống bền vững với nghề.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều hộ đã chuyển sang hướng đi mới. Thay vì làm nguyên liệu đan lát các sản phẩm truyền thống, họ sử dụng giang nứa cung cấp cho các nhà hàng chuyên về món thui. Với nghề này, người dân đặc biệt ưa thích… nắng nóng!

Gia đình ông Nguyễn Nguyệt (SN 1955) là một ví dụ điển hình. Từng có gần 40 năm gắn bó với nghề đan lát, con cái trưởng thành cũng nhờ vào tiền kiếm được từ cái rổ, cái thúng bằng tre, nứa.

Nhưng mấy năm gần đây vợ chồng ông Nguyệt đã chuyển hẳn sang chẻ ruột nứa, phơi khô buộc thành bó bán cho các nhà hàng kinh doanh dê thui trên địa bàn.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 1

Ông Nguyệt chẻ giang nứa...

9h sáng, nắng nóng đã bắt đầu phả xuống, ông Nguyệt tất bật chẻ nứa, còn bà Minh (vợ ông) cũng thoăn thoắt mang từng thanh nứa do chồng vừa chẻ ra phơi ở sân. Sau 3-4 ngày phơi khô, đạt yêu cầu ông bà lại cột thành bó có chiều dài từ 1,6 đến 2m để cung cấp cho các nhà  hàng.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 2

Còn bà Minh cột thành bó để cung cấp cho các nhà hàng.

“Nắng nóng thì đương nhiên là mệt, vất vả rồi. Nhưng những người làm nghề chẻ nan cung cấp cho các nhà hàng như vợ chồng tôi thì phải tranh thủ những lúc nắng to ni để làm. Nắng càng to, chúng tôi càng thích, càng ưa. Trời nắng thì chúng tôi mới có tiền”- ông Nguyệt vừa chẻ giang vừa chuyện trò.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 3

Bà Minh bê bó giang đang đợi khách đến lấy.

Ông Nguyệt lý giải: Trời nắng càng to thì giang nứa chẻ ra phơi càng nhanh khô. Giang nứa càng khô càng đượm lửa, càng được thợ thui bê, thui dê ưa thích. Lửa đượm sẽ ít khói, da con bê, con dê sau khi thui sẽ vàng óng vừa trông đẹp, vừa thơm ngon.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 4

Một cửa hàng kinh doanh thịt dê ở TP Hà Tĩnh sử dụng giang nứa của ông bà Nguyệt làm nguyên liệu thui dê. 

Vốn là một người cẩn thận, nên sản phẩm của vợ chồng ông Nguyệt, bà Minh được các chủ cửa hàng món thui ở huyện Hương Sơn và vùng phụ cận đặt mua nhiều, giang nứa chẻ không kịp bán.

Ngồi chẻ giang, ông Nguyệt kể vanh vách các nhà hàng kinh doanh thịt dê nổi tiếng ở đất Hương Sơn đang lấy giang nứa của ông bà để thui dê.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 5

Bà Minh trữ các bó giang nứa đã phơi khô chờ xuất bán trong thời gian tới.

Ông Nguyệt, bà Minh cho biết, mỗi ngày hai ông bà chẻ được vài chục bó giang nứa với giá 15.000 đồng/bó. Tính ra, nghề chẻ nan tre bán cho các nhà hàng giúp ông bà kiếm được từ 200-250.000 đồng/ngày, trừ các chi phí, ông bà cũng được 3-4 triệu đồng/tháng góp thêm để trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Công việc khá khó nhọc, vì phải phơi mình giữa nắng nóng, nhưng đổi lại sản phẩm làm ra không lo ế, khó bán như các sản phẩm đan lát trước kia”- bà Minh cho biết.

Hà Tĩnh: Bỏ túi hàng trăm ngàn đồng/ngày nhờ… trời nắng to - 6

Hai người thợ thui dê này cho biết, trung bình để thui một con cần khoảng từ 12-15 bó giang nứa như thế này.

Theo lãnh đạo xã An Hòa Thịnh, hiện làng Thịnh Văn có hàng chục hộ làm nghề chẻ giang nứa cung cấp cho không chỉ nhà hàng trên địa bàn huyện Hương Khê mà còn ở TP Hà Tĩnh, TP Vinh (Nghệ An).  

  Văn Dũng - Minh Lý