1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội vào hè: Thợ tân trang máy lạnh kiếm 20 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Hà Nội bắt đầu oi bức bởi cái nóng đầu hè. Công việc của thợ sửa máy lạnh vì thế cũng bận rộn hơn. Bù lại, thu nhập của họ cũng khá hơn. Thợ giỏi có thể thu nhập tới 20 triệu đồng/tháng.

Không biết từ khi nào, Trần Hữu Tước đã trở thành phố cung cấp máy lạnh cũ.
Không biết từ khi nào, Trần Hữu Tước đã trở thành phố cung cấp máy lạnh cũ.

Mấy năm nay, con phố Trần Hữu Tước (quận Đống Đa, Hà Nội) được dân thợ sửa điều hòa và khách hành bình dân biết tới như một điểm tái tạo vòng đời của các đồ máy lạnh.

Đếm sơ sơ từ đầu phố đến giữa phố phải có đến ngót chục nhà bán mặt hàng này. Anh Hoàng Huy Hiệu (sinh năm 1977, quê ở Hà Tĩnh), một thợ kỳ cựu trên con phố này cho biết: Máy lạnh cũ sau khi về đến kho sẽ được tháo ra từng bộ phận để kiểm tra. Toàn bộ phần nhựa và các cánh gió sẽ được làm sạch bằng cách dùng dao lam cạo sạch phần nhựa cũ, sau đó đánh rửa, đánh bóng kĩ lưỡng.

“Công đoạn này không khác gì công việc đánh bóng yếm xe máy. Nếu cánh gió nào bị cong vênh, hỏng, sẽ được thay thế luôn” - anh Hoàng Huy Hiệu nói.

Anh Hiệu đang vệ sinh phần nhựa cho một chiếc máy lạnh cũ.
Anh Hiệu đang vệ sinh phần nhựa cho một chiếc máy lạnh cũ.

Đối với thợ nghề, hầu hết các phần việc vệ sinh máy điều hòa cũ cũng khá đơn giản.

Về cơ bản, các công đoạn được thực hiện như sau: Bộ lọc và phên chắn của điều hòa được làm sạch bằng nước và xà phòng hoặc chất tẩy. Các bộ phận như cuộn ngưng tụ, làm mát, cánh quạt...được dùng chổi và máy hút bụi. Riêng phần lá tản nhiệt nếu bị cong vênh thì được "chải" lại bằng thiết bị chuyên dụng.

Anh Hiệu cho biết, trong quá trình tháo máy lạnh cũ để vệ sinh, nếu thấy bộ phận nào hỏng thì sẽ thay thế luôn bằng cách tìm kiếm ở các máy cũ khác.

Nói là "đơn giản" nhưng thực tế, quanh khu Nguyễn Lương Bằng - Trần Hữu Tước có hàng chục nhà bán điều hòa, máy lạnh, nhưng chỉ có duy nhất anh Hiệu làm nghề "tân trang, sửa chữa" máy điều hòa cũ.

Nói về đặc thù của nghề, anh Hiệu bật mí: "Nghề này đòi hỏi phải nhanh nhưng cần tỉ mỉ, chính xác, cẩn thận và có chút sáng tạo. Ví dụ, phần bảng mạch điện tử thì nhiều thợ điện tử làm, thay tháo được. Nhưng với vệ sinh, làm sạch các phần khác thì không dễ chút nào."

Những phần gẫy, hỏng sẽ được chế lại tinh xảo như mới.
Những phần gẫy, hỏng sẽ được chế lại tinh xảo như mới.

"Bên trong mỗi máy điều hòa là hàng chục cái lẫy nhỏ khác nhau, mỗi cái lẫy đều có một tác dụng. Hầu hết các máy cũ nhập về đều bị hỏng, gẫy, vỡ vào các phần lẫy này. Nếu cái nào không thể thay tháo được thì phải chế lại".

Có những cái lẫy chỉ nhỏ như cái nan hoa xe đạp, không sáng tạo, tinh tế thì không thể làm được. Thế nên, có những nhà làm máy tận Mỹ Đình, hay Thị xã Sơn Tây vẫn phải mang về tận đây để tôi sửa"

"Nhiều bạn trẻ đến đây học nghề, chỉ sau một thời gian là bỏ do không chịu được áp lực về tính kiên nhẫn. Ví như chế cái lá gió thôi, lá gió ở máy cũ rất dễ gãy, vỡ, thì phải chế cái mới, nhưng phải làm cả lẫy cho đúng đời máy, dùng loại nhựa tương tự nhựa ở vỏ thì mới đồng bộ. Không có kinh nghiệm thì không thể làm được".

Những lá gió được anh Hiệu chế lại, đầy đủ cả lẫy.
Những lá gió được anh Hiệu chế lại, đầy đủ cả lẫy.

Được tin cậy như vậy nên công việc của anh Hiệu đều đặn quanh năm, những ngày này công việc còn nhiều hơn do bắt đầu vào hè. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, anh còn gửi được về Hà Tĩnh cho vợ con từ 20 triệu đồng trở lên.

Những phần không thể làm mới sẽ được thay thế bằng linh kiện từ máy cũ khác.

Hiện tại thị trường máy lạnh cũ ở Hà Nội khá sôi động. Nhưng chủ yếu máy cũ được tin dùng vẫn là những nhãn hiệu của Nhật Bản mà người ta quen gọi là "hàng Nhật bãi" như National, Panasonic, Fujitsu, Daikin...

Những phần không thể làm mới sẽ được thay thế bằng linh kiện từ máy cũ khác.
Những phần không thể làm mới sẽ được thay thế bằng linh kiện từ máy cũ khác.

Một người chủ cửa hàng chuyên bán máy điều hòa cũ cho biết, hàng Nhật dù cũ thì vẫn được sự tin tưởng của người tiêu dùng, nhiều máy cũ nhưng dùng vẫn rất bền và có chất lượng tốt.

Ngoài ra, nói là "cũ" nhưng không quá cũ mà đều là các model chỉ cách đây vài năm. Anh cho biết, anh chủ yếu nhập các model từ năm 2011 trở lại đây vì các model này chủ yếu sử dụng điện 220v, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngoài ra, các sản phẩm của Nhật luôn có xu hướng bảo vệ môi trường. Ví dụ như, các máy điều hòa đã qua sử dụng sản xuất tại Nhật hiện nay đều hai chiều và sử dụng ga R410a - đây là loại ga phù hợp với Nghị định thư Kyoto về giảm thiểu khí thải tạo hiệu ứng nhà kính.


Máy cũ sau khi tân trang không khác gì máy mới.

Máy cũ sau khi tân trang không khác gì máy mới.

Hiện tại, giá cả cho máy lạnh cũ của Nhật cũng khá đa đạng, từ khoảng 6-7 triệu đồng cho đến hơn chục triệu/cái cũng có, tùy thuộc vào công suất và đời máy, thời gian bảo hành cũng xê dịch từ 6 đến 12 tháng tùy loại.

Trò chuyện với các chủ hàng ở đây, hầu hết mọi người đều từ chối nói về doanh số của mình nhưng chắc chắn là rất đắt hàng. Anh Tuấn - một thợ vận chuyển, lắp đặt máy lạnh ở đây cho biết: Trong những ngày đầu hè này, trung bình mỗi ngày anh được giao đi chở từ 6 đến 7 chiếc máy lạnh cũ và ở phố này thường xuyên có khoảng chục người chở hàng như anh.

Tử Hưng