Hà Nội: Tuyển thí sinh dự Kỳ thi tay nghề thế giới làm giảng viên

(Dân trí) - “Ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 trong tháng 10 tới đây, nhà trường sẽ chính thức tuyển dụng thí sinh Chu Văn Tươi vào làm giảng viên nghề điện công nghiệp”.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội (Bộ NNPTNT) - phát biểu tại Lễ trao bằng tốt nghiệp, khai giảng và xuất quân dự thi Kỳ thi tay nghề thế giới. Chương trình được nhà trường thực hiện sáng 23/9 tại Hà Nội.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội có 4 thí sinh đang ôn luyện để dự các Kỳ thi tay nghề thế giới: “Vào tháng 10 tới đây, thí sinh Chu Văn Tươi và Nguyễn Tất Toại sẽ tham gia đội tuyển Việt Nam dự thi nghề điều khiển công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 tại Thủ đô Abu Dhabi của Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)”.

Ngoài ra, 2 thí sinh khác cũng tham gia ôn luyện để chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Liên bang Nga vào năm 2019.


Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, cùng 2 thí sinh dự Kỳ thi tay nghề thế giới.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, cùng 2 thí sinh dự Kỳ thi tay nghề thế giới.

Đánh giá về Kỳ thi tay nghề trong tháng 10 tới đây, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng sẽ khá cam go và nhiều thách thức.

“Bởi đây là nơi hội tụ những thợ trẻ giỏi nghề, đại diện cho các thợ nghề đến từ nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới” - ông Đồng Văn Ngọc nói.

Cũng theo ông Đồng Văn Ngọc, 2 thí sinh của nhà trường dự Kỳ thi tay nghề thế giới đều có trình độ khá tốt. Đồng thời, tương lai nghề nghiệp của các bạn cũng khá ổn định.

“Thí sinh Nguyễn Tất Toại sẽ được một công ty của Nhật Bản tuyển dụng để làm việc tại Việt Nam. Với thí sinh Chu Văn Tươi, nhà trường sẽ chính thức làm thủ tục tuyển dụng làm giảng viên nghề điện công nghiệp sau khi kết thúc Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44” - ông Đồng Văn Ngọc nói.

Chia sẻ thông tin về môn thi điều khiển công nghiệp tại Kỳ thi sắp tới, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng khoa học - hợp tác quốc tế (Trường CĐ cơ điện Hà Nội), chuyên gia huấn luyện thí sinh dự thi nghề điều khiển điện công nghiệp, cho rằng: “Môn thi điều khiển công nghiệp sẽ kéo dài 22 tiếng trong 4 ngày. Trong thời gian đó, thí sinh phải tự thiết kế mạch điện công nghiệp, lập trình hệ thống, tìm và sửa các lỗi phát sinh của hệ thống…”

Đánh giá điểm mạnh - yếu của thí sinh, vị chuyên gia huấn luyện cho biết: Thí sinh của VN có kỹ năng nghề tốt, chịu được áp lực cao và tuân thủ chiến lược tốt. Điểm hạn chế lớn nhất của thí sinh Việt Nam là thể lực khi phải chịu sức ép của môn thi kéo dài nhiều giờ.

Theo tìm hiểu của ông Nguyễn Quang Huy, nghề điều khiển công nghiệp vốn là thế mạnh của các nước Châu Âu và các nước có nền công nghiệp phát triển như CHLB Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Hàn Quốc đã 18 lần dẫn đầu về môn thi này.

Về cơ hội việc làm, ông Nguyễn Quang Huy đánh giá cao khả năng tìm việc của sinh viên ngành điều khiển công nghiệp tại thị trường lao động hiện nay.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành điều khiển điện công nghiệp có thể làm nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa và thiết kế hệ thống điều khiển trong các nhà xưởng.

“Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang rất cần ứng viên có tay nghề, ý thức làm việc công nghiệp và hiểu biết lý thuyết chuyên sâu về nghề. Thực tế cho thấy, nhiều ứng viên dự thi nghề này đã được nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng” - ông Nguyễn Quang Huy nói.

Hoàng Mạnh