Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động

Với việc hình thành hệ thống sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ Hà Nội đã tổ chức cho trên 15.000 lao động kết nối với doanh nghiệp. Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã trao đổi cụ thể hơn vấn đề này với báo giới.

Ông Vũ Quang Thành - Phó GĐ TTDVVL Hà Nội nói về hoạt động Sàn GDVL

Xin ông cho biết kết quả việc triển khai các điểm giao dịch vệ tinh cũng như công tác tư vấn việc làm từ đầu năm tới nay ra sao ?

- Trung tâm đã đổi mới hình thức giao dịch, đặc biệt là hệ thống sàn việc làm từ đầu năm 2017 tới nay. Cụ thể, hàng tuần chúng tôi vẫn duy trì tần suất tổ chức phiên giao dịch ngày thứ 3 và 5 hàng tuần. Thực hiện đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch, chúng tôi đã khai trương 7 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại quận Long Biên, Nam Từ Liêm và huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn khai trương thêm 2 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Đông Anh và Ba Vì.

Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động - 1

Đã có trên 15.000 lao động được kết nối trực tiếp thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm và các sàn, điểm vệ tinh. DN và người lao động (NLĐ) đánh giá cao hoạt động kết nối cung cầu lao động trên địa bàn TP của Trung tâm. Hoạt động của cả hệ thống giao dịch việc làm từ trung tâm đến sàn và điểm vệ tinh có sự đồng nhất nên khá hiệu quả. Chất lượng các cuộc phỏng vấn, độ tin cậy của nguồn việc làm cũng như sự thuận tiện về địa điểm là những điểm được nhiều người lao động đánh giá cao.

Trong công tác tư vấn việc làm, nhiệm vụ của việc xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu cung - cầu lao động là điều rất cần với mỗi trung tâm cũng như trong phạm vi toàn hệ thống dịch vụ việc làm, thưa ông?

- Đây là nhiệm vụ cần thiết và thực hiện song song với các công tác khác của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Việc triển khai thu thập nguồn thông tin cung - cầu lao động thông qua ghi chép biến động ở các hộ gia đình và DN là định hướng rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta nên tính hình thức triển khai cho phù hợp. Hiện nay, những người thu thập thông tin cung - cầu lao động ở cấp xã, phường là tổ trưởng, cán bộ lao động. Sau đó, số liệu sẽ được chuyển về tỉnh, T.Ư để cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia.

Để hoạt động này tốt hơn, tôi cho rằng rất cần đổi mới về phương pháp và hình thức khai thác thu thập cơ sở dữ liệu. Lực lượng đi thu thập số liệu, điều tra nguồn cung cầu cần được tập huấn để nắm bắt rõ mục đích hoạt động. Và phải có sự vào cuộc của UBND các tỉnh, TP đến cấp phường/xã, cùng với ngành LĐ-TB&XH tiến hành các hoạt động đảm bảo và đạt chất lượng tốt hơn; cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng số liệu cung - cầu việc làm của các sở, ngành.

Trong thời gian tới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ có định hướng nghiên cứu và dự báo thị trường lao động ra sao, thưa ông?

- Được biết, phòng phân tích dự báo thị trường lao động của Trung tâm hình thành theo Đề án của UBND TP Hà Nội về Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Bước đầu chúng tôi xây dựng thông tin thị trường lao động đảm bảo, có tính lâu dài để phân tích, đánh giá, dự báo. Trung tâm đã hỗ trợ các địa phương đánh giá thị trường lao động, trong đó có khối doanh nghiệp FDI, lao động di cư... từ đó đưa ra dự báo ngắn, trung hạn và có định hướng đáp ứng nhu cầu hoạt động của đơn vị. Các cấp, ngành có thể sử dụng kết quả này để hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động của TP trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông

Trúc Oanh thực hiện

TP HCM: Khai trương Sàn việc làm lưu động với gần 2.000 chỉ tiêu

Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động lần 6 tại Chi nhánh BHTN Quận Tân Bình trong tháng 10/2017.

Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động - 2

Theo Ban tổ chức, Sàn giao dịch việc làm lưu động có 11 doanh nghiệp tham gia trực tiếp với hơn 1600 vị trí tuyển dụng. Ngoài ra, Sàn còn thu hút 16 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tuyến trên trên Cổng thông tin việc làm thành phố Hồ Chí Minh http://vieclamhcm.net và Cổng thông tin việc làm Quốc gia http://vlhcm.vieclamvietnam.gov.vn với tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1.978 vị trí việc làm. Thống kê cho thấy, các ngành nghề có số lượng tuyển dụng cao như: Tài chính, chứng khoán, bất động sản: 25 vị trí; Khách sạn, du lịch và dịch vụ: 154 vị trí; Điện, điện tử: 34 vị trí; Kinh doanh và quản lý: 247 vị trí và công việc phổ thông có tới 1220 lao động. Theo nhiều doanh nghiệp, mức lương bình quân tuyển dụng dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh công tác tuyển dụng, Sàn giao dịch việc làm còn tổ chức khu vực tư vấn dành cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề để việc làm và quay trở lại thị trường lao động.

N.A

Gần 1.400 chỉ tiêu tuyển dụng tại Phiên GDVL quận Nam Từ Liêm

Ngày 28/10, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) và UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động Lần thứ 2 năm 2017 tại Điểm giao dịch việc làm vệ tinh quận Nam Từ Liêm (Phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động - 3

Chương trình thu hút 35 doanh nghiệp, đơn vị với 1.395 chỉ tiêu tuyển dụng và học nghề, trong đó 925 chỉ tiêu tuyển dụng và 470 chỉ tiêu học nghề. Các vị trí tuyển dụng khá đa dạng, phù hợp với đặc thù lao động địa phương, như: Bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, kỹ sư điện, kế toán, bảo vệ, giao hàng…Ngoài ra, nhiều cơ hội học nghề phục vụ lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như: Nghề may, nghề sửa xe máy, nghề điện, công nghệ thông tin cũng được các doanh nghiêp và nhà trường giới thiệu tới người lao động địa phương.

Được biết, trong năm 2017, Điểm giao dịch việc làm Quận Nam Từ Liêm đã tổ chức được 22 phiên giao dịch việc làm thu hút trên 50 doanh nghiệp, đơn vị. Thông qua đó, các Phiên giao dịch đã giúp cho hơn 150 người lao động tìm được việc làm.

T.Đ