Hà Nội: Sau Tết, lao động chưa vội tìm việc làm
“Phiên GDVL đem tới hơn 1.500 cơ hội việc làm, trong đó một số chỉ tiêu tuyển dụng đã được doanh nghiệp rao tuyển đợt giáp Tết. Nhưng do nhu cầu vẫn còn nhiều, nên chúng tôi đã bổ sung vào chương trình sáng nay nhằm tạo thêm cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp”.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc TT DVVL Hà Nội, trao đổi với báo giới về Phiên GDVL đầu xuân, diễn ra sáng 23/2 tại 215 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tìm việc giảm trước và sau Tết
Thống kê của TT DVVL Hà Nội, phần lớn các chỉ tiêu tuyển tại Phiên GDVL là lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật với các vị trí như: Công nhân môi trường, chăm sóc cây xanh, sản xuất về lắp ráp linh kiện điện tử, phụ tùng cho bếp gas, sản xuất bao bì, giao hàng, chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, Phiên GDVL cũng có một số chỉ tiêu yêu cầu trình độ trình độ trung cấp có nghề thợ điện, thợ hàn, công nhân kỹ thuật, kỹ sư điện tử được một số đơn vị tuyển dụng với số lượng rất lớn. Số chỉ tiêu tuyển lao động trình độ ĐH có kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện - điện tử, công nghệ thông tin chưa nhiều.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, điểm đặc thù của Phiên GDVL đầu năm là nguồn lao động không dồi dào như trong năm. Ngay cả thời điểm giáp Tết âm lịch, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao, nhưng tình hình thiếu hụt lao động, đặc biệt là thiếu lao động phổ thông đã diễn ra.
Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội - nói về giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Đợt cuối năm, nhiều lao động không muốn thay đổi việc trong dịp cuối năm để nhận tháng lương thứ 13. Mặt khác, dịp đầu năm cũng không ít người còn chưa thực sự ý thức tìm việc. Do vậy, Phiên GDVL dù nhiều chỉ tiêu tuyển dụng nhưng ứng viên còn khiêm tốn. Ngay cả số lao động tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng không nhiều” - Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.
Dự kiến trong năm 2016, TT DVVL Hà Nội sẽ tổ chức 102 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 96 phiên định kỳ tổ chức vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần, 6 phiên lưu động tại các quận, huyện có thị trường lao động phát triển.
Theo TT DVVL Hà Nội, mức lương tháng khởi điểm trung bình của lao động phổ thông từ 3.000.000-4.000.000 đồng/tháng, nhân viên kinh doanh, cử nhân đại học từ 4.000.000-6.000.000 đồng/người. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tính thêm phần lợi nhuận % theo sản phẩm hoặc dịch vụ được người lao động thực hiện vượt định mức…
Cơ hội rộng mở trong năm 2016
Trước câu hỏi về dự báo các ngành nghề sẽ có sức hút nhiều trong năm 2016, đại diện TT DVVL Hà Nội cho rằng, các ngành về bất động sản, kinh doanh thương mại và du lịch vẫn có sức hút. Ngoài ra, lĩnh vực kỹ thuật luôn nhận được nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể ở các ngành: Kỹ sư tin học, điện - điện tử, xây dựng, tự động hóa…
Đánh giá về cơ hội của lao động khi Việt Nam chính thức tham gia TPP, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng: Doanh nghiệp nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa cơ hội việc làm tăng cao. Cạnh tranh việc làm gia tăng cũng đồng nghĩa với mức lương gia tăng.
“Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty nước ngoài, ngoài yêu cầu về ngoại ngữ và tin học, người lao động phải nắm chắc các kỹ năng. Hơn ai hết, mọi người đều biết tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của DN nước ngoài sẽ rất cao. Người lao động phải ý thức được điều đó để đáp ứng những yêu cầu” - Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn việc làm, ngay từ khi gửi hồ sơ xin việc ở doanh nghiệp nước ngoài, ngoài giấy tờ tiếng Việt, ứng viên phải có sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh để đơn vị tuyển dụng hiểu được mình được đào tạo ở trường nào, có chuyên môn, kỹ năng và thế mạnh gì.
Tháng 1/2016: Hơn 500 doanh nghiệp gửi tới hơn 3.600 vị trí việc làm
Theo thống kê của TT DVVL Hà Nội số 2 (Hà Đông, Hà Nội), trong tháng 1/2016 có có 505 doanh nghiệp và nhu cầu tuyển dụng 3659 vị trí việc làm, 969 người lao động có nhu cầu tìm việc.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tháng tập trung chủ yếu vào nhóm chức vụ: Nhân viên - chuyên viên (chiếm 93,52%), còn lại là nhóm quản lý nhóm - giám sát, quản lý cấp trung, quản lý cấp cao.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học đạt 14,92%, tập trung nhiều ở các nhóm ngành nghề: IT/phần mềm, nhân viên kinh doanh, bán hàng, xây dựng. Nhu cầu trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm lần lượt là 27,47% và 29,87%, tập trung ở các nhóm ngành nghề: Cơ khí - chế tạo (chiếm 35,64%), IT/phần mềm, nhân viên kinh doanh, bán hàng.
Cũng theo TT DVVL Hà Nội số 2, nhóm lao động có trình độ cao (mong muốn thu nhập trên 15 triệu/tháng) tập trung chủ yếu vào những người lao động có bằng cấp cao cụ thể là tỉ lệ đại học và trên đại học chiếm 92,95%, nhóm còn lại có trình độ từ trình độ cao đẳng trở xuống. Nhận định chung cuả TT DVVL số 2 cho thấy, tháng 1 không có nhiều biến động về tuyển dụng vì đây là thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra.
P.T
Bình Dương: Sau Tết, gần 90 % lao động trở lại làm việcNgày 18/2, theo Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, đa số các doanh nghiệp đã khởi động trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thống kê nhanh cho thấy, gần 90 % công nhân đã trở lại làm việc, chỉ một số ít còn nghỉ phép năm, nghỉ thai sản...
Đánh giá của nhiều doanh nghiệp, tình hình lao động trở lại làm việc đúng hạn là tín hiệu khả quan. Nguyên nhân một phần bởi nhiều DN nghiêm túc thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, bảo đảm việc thanh toán tiền lương và chi thưởng đúng thỏa thuận đã cam kết trong thời gian trước Tết.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức xe đưa đón hoặc mua vé xe cho người lao động về quê đón Tết. phối hợp với tổ chức Công đoàn triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí phục vụ người lao động đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm. Cũng theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, các cấp công đoàn trong tỉnh Bình Dương còn trích kinh phí và phối hợp doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hơn 12.000 vé xe, trị giá hơn 10 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động. Ngay sau dịp Tết Nguyên Đán, LĐLĐ tỉnh thống kê có trên 110 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 20.000 lao động.
C.P
Phan Minh