Hà Nội: Nghề tảo mộ thuê đắt khách dịp cận Tết
(Dân trí) - Cuối năm âm lịch, nhiều gia đình ở Hà Nội có nhu cầu tân trang phần mộ người thân đã khuất. Đây cũng là dịp đem lại nguồn thu nhập khá cho những người làm công việc tảo mộ thuê.
Những ngày giáp Tết, anh Nguyễn Văn Dũng đang tất bật với công việc xây mới một ngôi mộ tại nghĩa trang Đại Từ ở gần nhà tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Anh cho biết, từ đầu tháng Chạp âm lịch đến nay, anh sửa sang mới xong 5 ngôi mộ.
"Nhiều gia đình có quan điểm "trần sao, âm vậy". Họ muốn tân trang đẹp lại mộ phần của người thân đã khuất. Nhưng do dịp gần Tết bận rộn hoặc không có nghề, các gia đình thuê chúng tôi làm công việc này", anh Dũng chia sẻ.
Công việc chủ yếu của anh là xây mộ, đắp thêm các chi tiết trang trí cho ngôi mộ. Trường hợp ngôi mộ đã xây dựng nhưng cần sửa chữa hoặc sơn mới, anh cũng đảm nhận.
Theo anh Dũng, thời gian xây một ngôi mộ mới trung bình mất tới 4 ngày mới xong (nếu tính cả việc xây hố). Giáp Tết việc nhiều, anh thường làm việc ở nghĩa trang từ 7h - 17h mới về nhà.
Tiền thù lao được trả cho thợ chính là 300 nghìn đồng/ngày công. Nếu làm kín cả tháng cuối năm, anh thu về khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.
Cùng đội xây với anh Dũng, bà Nguyễn Thị Ngà (quê Nam Định) tham gia việc phụ vữa. Mấy ngày nữa, bà còn nhận thêm làm dọn cỏ, quét vôi, sơn lại các ngôi mộ cho các gia đình có nhu cầu.
Chia sẻ về tiền công, bà Ngà cho biết được trả từ 200-300 nghìn đồng/ngày công. Nếu làm chăm chỉ đến những ngày 27-30 âm lịch, thù lao sẽ tăng lên kèm theo thưởng thêm.
Cách đó không xa, khu vực nghĩa trang Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) với hàng trăm ngôi mộ cũng tấp nập bởi những người đi thắp hương và những người thợ xây.
Tại đây, anh Nguyễn Mạnh Tiến (quê Chương Mỹ, Hà Nội) đang thực hiện công đoạn trát vữa ngôi mộ thờ thần linh của nghĩa trang.
Theo anh Tiến, việc xây ngôi mộ thờ này phải mất tới 2 tháng cùng 8 người tham gia mới có thể hoàn thành. Bên cạnh đó, người thợ cần có kỹ thuật cao mới có thể thực hiện được những chi tiết khó.
"Khi làm 8 cái đầu đao trên mái mộ, chúng tôi phải bắc giàn giáo lên mới làm được. Mỗi đầu đao phải ngắm đi ngắm lại, có khi cả ngày mới xong", anh Tiến chia sẻ.
Công việc khá vất vả, đổi lại anh Tiến được trả công 400 nghìn đồng/ngày. Một tháng cuối năm, anh hoàn toàn có thể kiếm một khoản tiền kha khá để dùng vào việc sắm Tết.
Tảo mộ cần có tâm
Với 8 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Nguyễn Văn Dũng cho rằng việc xây mộ không vất vả như xây nhà cửa, công trình. Tuy nhiên người thợ vẫn phải tỉ mỉ bởi đây là việc "tâm linh", không thể làm ẩu.
"Trước khi xây mới, chúng tôi thường thông báo cho chủ nhà rồi tiến hành làm lễ cúng xin phép cụ cho đập ra. Sau đó mới bắt đầu từng bước hết sức cẩn thận, bởi không phải cứ muốn thì làm như đi xây nhà", anh Dũng cho hay.
Theo anh Dũng, muốn theo nghề này lâu dài, người tảo mộ cũng cần có cái tâm thành kính. Người làm cần quan niệm việc chăm sóc phần mộ là hành động tỏ lòng hiếu thảo, tưởng nhớ tới người đã khuất.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngà tin rằng nghề này không thể làm qua loa đại khái. Bà quan niệm rằng, nếu có tội với người đã khuất thì tương lai của gia đình, con cái sẽ cũng chẳng ra cái gì.
"Tôi thường hay tảo mộ cả những phần mộ mà đến 27-28 Tết không có ai đến dọn dẹp, dù mình không được thuê. Biết rằng đây là nghề để kiếm thêm thu nhập nhưng mình cũng phải đặt chữ tâm lên trên hết", bà tâm sự.