Hà Nội: Lão nông chủ đàn trâu tiền tỉ loay hoay với lệnh cấm chăn nuôi

(Dân trí) - Nơi bãi giữa sông Hồng, sở hữu đàn trâu bạc tỉ khoảng 200 con, lão nông Nguyễn Văn Tiến (Long Biên, Hà Nội) đang loay hoay tìm "lối ra" trước lệnh cấm chăn nuôi được áp dụng từ ngày 1/8.

Có 70 con trâu đang chửa 

Sở hữu đàn trâu lên tới 200 con, ông Nguyễn Văn Tiến trú tại tổ 22 phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội) được nhiều người mệnh danh là người nuôi trâu có tiền tỉ hay ông "trùm" nuôi trâu giữa lòng Hà Nội.

Với lệnh cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành và nhiều thị trấn của Hà Nội từ 1/8, ông Tiến đang loay hoay không biết xử trí ra sao với đàn trâu của mình.

Lão nông loay hoay với đàn trâu trăm con trước lệnh cấm

Ngoài 200 con trâu, ông Tiến còn đang nuôi khoảng 60 con lợn, 200 con gia cầm chưa tới ngày xuất bán. Trước thông tin phải dừng chăn nuôi chuyển nghề khác, ông Tiến cho rằng việc này sẽ rất khó khăn đối với gia đình ông.

Ông Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi 4 người đều sống bằng nghề chăn nuôi, bây giờ cấm chăn nuôi thì tôi cũng chưa biết làm thế nào.Vợ chồng tôi đã ngoài 60 tuổi, việc đi học nghề mới rất khó khăn”.

Hà Nội: Lão nông chủ đàn trâu tiền tỉ loay hoay với lệnh cấm chăn nuôi - 1

Đàn trâu khoảng 200 con của ông Tiến được chăn thả dưới chân cầu Vĩnh Tuy 

Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Tiến nằm trên bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội). Hàng năm ông Tiến thu về từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng trăm triệu đồng.

Không những thế, ông Tiến còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động người dân tộc thiểu số với mức lương tháng là 5 triệu đồng/người.

Hà Nội: Lão nông chủ đàn trâu tiền tỉ loay hoay với lệnh cấm chăn nuôi - 2

Ngoài trâu, ông Tiến còn nuôi khoảng 60 con lợn chưa tới kỳ xuất bán.

Trăn trở với lệnh cấm chăn nuôi, ông Tiến chia sẻ: “Đàn trâu của tôi hiện có 70 con đang chửa. Nếu có bán cũng không ai mua”.

Trước thông tin cấm chăn nuôi gia súc gia cầm trên báo đài, ông Tiến rất lo lắng tìm phương án giải quyết đàn gia súc tiền tỉ này.

Chuyển nghề cho lao động lớn tuổi

Được biết, Nghị quyết của HĐND TP về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực trên sẽ tác động đến gần 207.600 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Đây là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp. Việc không cho phép chăn nuôi ở đô thị cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng -  Chủ tịch UBND Phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội) thừa nhận: "Việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị...".

Hà Nội: Lão nông chủ đàn trâu tiền tỉ loay hoay với lệnh cấm chăn nuôi - 3

Ông Tiến còn sở hữu hàng trăm con gia cầm các loại 

Ông Hùng chia sẻ: “Hiện nay, phường chưa có lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi, di dời cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Tiến và một số hộ khác trên địa bàn. Trong đầu tháng 8, phường sẽ triển khai họp, lấy ý kiến các hộ chăn nuôi để tìm ra giải pháp hài hòa và hợp lý nhất”.

Được biết, phường Long Biên đã giải quyết triệt để việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư. Bên cạnh đó, chỉ còn 3 hộ chăn nuôi trâu bò và 10 hộ chăn nuôi lợn tại khu vực bãi bồi sông Hồng do phường quản lý.

Cũng theo ông Hùng, các lao động trên địa bàn phường làm nghề chăn nuôi đa số là lớn tuổi. Điểm khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết là tính toán chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động này.

Trước đó, sáng 7/7, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ di dời những cơ sở này.

Theo đó, 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ việc nuôi động vật cảnh, phục vụ thí nghiệm.

Quy định cấm được áp dụng từ ngày 1/8/2020.