1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Lao động tự do gặp khó nhưng đồng thuận dừng việc để chống dịch

Phạm Công

(Dân trí) - Ghi nhận của PV trong ngày đầu (4/5) TP Hà Nội tạm dừng hoạt động các quán ăn đường phố và trà đá vỉa hè, nhiều lao động tự do gặp khó khăn nhưng ủng hộ để chống dịch Covid-19.

Vừa mới trở lại Hà Nội bán hàng sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, chị Nguyễn Thúy Hiền, chuyên bán đồ ăn sáng vỉa hè trên địa bàn quận Hà Đông, cho biết: "Sáng nay, tôi đang chuẩn bị dọn hàng ra bán như mọi khi thì bác tổ trưởng tổ dân phố sang tận phòng trọ nhắc về việc Hà Nội cấm bán hàng quán vỉa hè. Được thông báo tôi không đi bán hàng nữa".

Chị Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, chủ chương dừng việc bán hàng quán vỉa hè là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời.

Hà Nội: Lao động tự do gặp khó nhưng đồng thuận dừng việc để chống dịch - 1

Chị Hiền sắp xếp lại đồ dùng chuẩn bị về quê trông con chờ ngày hết dịch.

Mặc dù không thể đi bán hàng để kiếm tiền, tuy nhiên theo chị việc ở nhà sẽ an toàn cho cá nhân và xã hội, hơn nữa có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình.

"Tôi ra dọn hàng quán, che chắn chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài. Có lẽ sáng mai, tôi sẽ về quê để trông con giúp ông bà. Bao giờ dịch bệnh ổn định, tôi sẽ quay trở lại Hà Nội bán hàng" - chị Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ.

Từ hàng ăn sáng vỉa hè, chị Nguyễn Thúy Hiền có thể kiếm được khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, số tiền này đủ để trang trải cho cuộc sống và nuôi hai đứa con ăn học ở quê. Việc dừng bán hàng, kinh tế của gia đình sẽ phụ thuộc vào chồng.

"Chồng tôi làm nghề lái xe, mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền đó có thể giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trong dịch bệnh" - chị Nguyễn Thúy Hiền nói.

Cũng dừng công việc hàng ngày là bán hàng nước, chị Phạm Thị Huyền trú tại Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), chia sẻ: "Nghe tin dịch bệnh mấy hôm nay mà tôi cũng sợ. Tối qua xem ti vi thấy thông báo, sáng nay tôi chủ động dừng việc bán hàng ngay".

Hà Nội: Lao động tự do gặp khó nhưng đồng thuận dừng việc để chống dịch - 2

Chị Phạm Thị Huyền quét dọn quán nước trong ngày đầu dừng bán hàng.

Theo chị Phạm Thị Huyền, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nguồn thu từ quán nước. Việc dừng bán hàng đồng nghĩa với việc chị không có thu nhập. Dự kiến, kinh tế gia đình sẽ khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên đối với chị, việc phòng chống dịch lúc này được đặt lên trước tiên.

Nhận định về quy định này của TP Hà Nội, bà Trần Thị Xuyến, làm nghề bán đồ ăn vặt trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Qua những lần tạm dừng hàng quán vỉa hè lần trước, tôi thấy, quy định này hoàn toàn hợp lý và đem lại hiệu quả cao".

Có thông báo từ công an phường, ngay tối ngày 3/4 bà Trần Thị Xuyến đã dọn hàng, che chắn cẩn thận để chờ ngày hết dịch.

Hà Nội: Lao động tự do gặp khó nhưng đồng thuận dừng việc để chống dịch - 3

Hàng quán của bà Trần Thị Xuyến đã được che chắn cẩn thận và dừng hoạt động.

Bà Trần Thị Xuyến làm nghề bán đồ ăn vặt hơn 20 năm qua, còn chồng làm nghề xe ôm. Trước khi có dịch Covid-19, hai vợ chồng bà kiếm được 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng. Công việc của cả gia đình đều bị ảnh hưởng mỗi lần dịch Covid-19 xuất hiện.

"Có thông báo là tôi dừng bán hàng, chỉ mong sao dịch bệnh mau hết để đi làm trở lại. Tuy kinh tế sẽ khó khăn nhưng nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh lúc này là việc cấp thiết, nên tôi nghiêm chỉnh chấp hành" - bà Trần Thị Xuyến khẳng định.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Cụ thể, từ 17h ngày 3/5, TP Hà Nội tạm dừng hoạt động quán ăn uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè, các khu di tích, cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu không được mở cửa đón khách đến khi có chỉ đạo mới.