1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội: Hơn 594 người lao động thất nghiệp tham gia học nghề

Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), qua 6 tháng đầu năm có 594 lao động tham gia các khoá học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này chiếm 72 % trong tổng số người nhận quyết định hỗ trợ học nghề.

Hà Nội: Hơn 594 người lao động thất nghiệp tham gia học nghề - 1

Nhiều thay đổi tích cực

Nhận định chung, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng công tác đào tạo nghề cho người thất nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt là sau khi Luật Việc làm ra đời, Chính phủ đã có thay đổi về mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói chung.

Quy trình đào tạo cũng như thủ tục thanh quyết toán chi phí đào tạo nghề đã có nhiều thay đổi tích cực. Do vậy, số lượng và chất lượng của việc học nghề ngày càng nâng cao và hiệu quả hơn trước đây.

Được biết, Trung tâm hiện phối hợp tư vấn cho người lao động đăng ký thất nghiệp học nghề tại 9 cơ sở đào tạo nghề thuộc trung tâm. Các ngành nghề được người lao động lựa chọn chủ yếu như: Kỹ thuật nấu ăn (31,4%), Lái xe ô tô hạng B2 và C (23 %), kỹ thuật pha chế đồ uống (18,2%), tin học văn phòng (11,2%)…

Ông Lê Hải Anh - Phó trưởng Phòng bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Hà Nội) đánh giá về công tác dạy nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau 6 tháng triển khai, đã có gần 120 người tham gia khoá học đã tìm được việc làm sau khi kết thúc học nghề. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đã đăng ký học nghề nhưng không đến nhận quyết định hỗ trợ học nghề, hoặc đã đến nhận quyết định nhưng không tham gia các khoá học nghề.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng: Người lao động chủ yếu đã tìm được việc làm mới trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề, do đó họ không tham gia tiếp các khoá học.

Cần tiếp tục điều chỉnh chính sách

Mặc dù có nhiều điểm tích cực hơn trước đây nhưng trong triển khai công tác dạy nghề vẫn còn một số bất cập. Điều này khiến cho tỉ lệ tham gia học nghề còn chưa cao. Theo ông Lê Hải Anh - Phó Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội), hiện nay số lao động thất nghiệp tại Hà Nội khá đông và đa số có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học và trên đại học. Do vậỵ khi thất nghiệp, người lao động không có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp đang làm.

Trong thời gian tới, ông Lê Hải Anh đề nghị các cơ quan chức năng đa dạng hoá thêm ngành nghề đào tạo cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Thay vào đó, họ có nhu cầu nâng cao trình độ kỹ năng làm việc hoặc các kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp, các khoá học chuyên sâu để sớm tìm được việc làm bằng chính nghề đã được đào tạo, đáp ứng nhu cầu của công việc” - ông Lê Hải Anh nói.

Cũng theo ông Lê Hải Anh, do nhu cầu khác nhau nên người thất nghiệp còn đăng ký ở nhiều ngành nghề và ở nhiều cơ sở dạy nghề. Điều này khiến cho thời gian chờ để ghép đủ học viên tham gia 1 lớp dạy nghề kéo dài. Trong khi đó, người lao động chờ đợi lâu quá sẽ không còn nhu cầu học nghề nữa.

Mặt khác, về nội dung các khoá học vẫn chủ yếu phục vụ đối tượng thất nghiệp có trình độ thấp và trung bình với các nghề mới hoặc mức sơ cấp cho người lao động phổ thông.

Theo ông Lê Hải Anh, nhiều khóa học kỹ năng mềm hoặc khởi nghiệp được người thất nghiệp quan tâm. Các khoá học nghề có thời gian ngắn nhưng chi phí không nhỏ. Trong khi đó, với mức hỗ trợ học nghề nghiệp nay chỉ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng thì sẽ khó cho người thất nghiệp có nhu cầu.

“Người mất việc làm đang phải sống dựa 1 phần vào khoản trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, việc phải chi thêm 1 khoản để tham gia các lớp học này là không nhiều. Cơ hội tham gia học các lớp đào tạo trên sẽ ít đi” - ông Lê Hải Anh nói.

Hoàng Mạnh