Hà Nội: Hơn 30 % chỉ tiêu tuyển dụng có lương trên 10 triệu đồng
(Dân trí) - Sáng 5/3, tại Hà Nội, Phiên Giao dịch việc làm đầu xuân 2019 đã được Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức. Chương trình thu hút 137 doanh nghiệp, trong đó khu vực Hà Nội có 73 doanh nghiệp, số chỉ tiêu tuyển dụng có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng chiếm trên 30 %.
Nhiều vị trí hấp dẫn
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên GDVL sáng 5/3 có kết nối trực tuyến giữa Trung tâm dịch vụ việc làm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương và Cần Thơ. Tổng số chỉ tiêu của chương trình kết nối 5 địa phương trên là khoảng 3.000 vị trí.
“Tại Hà Nội, Sàn GDVL thu hút 73 doanh nghiệp với khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển dụng, đào tạo và xuất khẩu lao động. Các công việc chủ yếu như: Nhân viên kỹ thuật, bán hàng, thu ngân, thợ vận hành máy, nhân viên sản xuất, quản lý, kế toán trưởng…” - ông Vũ Quang Thành cho biết.
Bên cạnh đó, Sàn GDVL Hải Dương và Bắc Ninh cũng thu hút 30 doanh nghiệp với hơn 600 chỉ tiêu tuyển dụng, học nghề. Ngoài ra, Sàn GDVL Cần Thơ và Bình Dương cũng thu hút hơn 1.800 chỉ tiêu tuyển dụng và học nghề.
Đánh giá chung về mức thu nhập từ các vị trí tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành cho biết: “Trong tổng số 3.000 chỉ tiêu, số công việc có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm hơn 19%. Mức thu nhập từ 7 -10 triệu đồng/tháng chiếm hơn 33 %”.
Đặc biệt, số chỉ tiêu tuyển dụng có mức lương trên 10 triệu đồng chiếm tỷ lệ không nhỏ, với 32 %.
Theo Ban tổ chức, sự phong phú của các chỉ tiêu tuyển dụng đã thu hút đa dạng đối tương tìm việc. Trong đó, đông đảo nhất là nhóm lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật với hơn 43 %, lao động trình độ đại học chiếm 41 %. Ngoài ra, sự hấp dẫn của chương trình cũng thu hút một lượng lao động phổ thông với 15 %.
Gắn kết thị trường lao động
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Mô hình chương trình như hôm nay thu hút đông sự quan tâm của người lao động, qua đó gắn kết người lao động và nhà tuyển dụng. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin đã kênh tương tác trực tuyến trong phỏng vấn là điểm mới của chương trình”.
Nhà tuyển dụng ở Sàn GDVL Hà Nội đang phỏng vấn online người lao động tại Bắc Ninh. (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Đồng quan điểm trên, ông Tào Bằng Huy, Cục Phó Cục Việc làm nhận định: Sàn GDVL Hà Nội luôn là một điểm sáng, đi đầu trong việc tích cực góp phần kết nối cung cầu lao động, giúp ổn định thị trường lao động Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Tào Bằng Huy cho rằng, không chỉ Hà Nội, việc tăng cường các Phiên GDVL ở nhiều địa phương là hoạt động cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Qua đó nhằm giảm tình trạng thất nghiệp của thanh niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng, thúc đẩy công tác phát triển công nghệ thông tin trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động.
“Thời gian tới, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm cần được tổ chức có hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ về thị trưởng thông tin lao động; nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng vào công tác thông tin, dự báo” - ông Tào Bằng Huy cho biết.
Đồng thời, các trung tâm cần gắn kết với hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận thị trường nhanh chóng và hạn chế thời gian, chi phí
Hoàng Mạnh