Hà Nội: Hỗ trợ hơn 385.000 người khó khăn do đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã chi trả tới hơn 385.000 người, với tổng kinh phí 474 tỷ đồng, thuộc 4 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (tổ đại biểu huyện Đan Phượng) về kết quả triển khai Nghị quyết 42/2020/QĐ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hỗ trợ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tới thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành chi trả cho 4 nhóm đối tượng gồm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Số đối tượng thuộc 4 nhóm trên là 385.515 người với nguồn kinh phí là 474,2 tỷ đồng.
Ngay sau khi chi trả, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH lập đoàn kiểm tra. Kết quả cho thấy, các quận huyện, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã tập trung hỗ trợ cho 5 đối tượng thuộc diện người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động vay vốn để tả lương.
Cụ thể, hơn 17.000 người lao động được hỗ trợ với kinh phí 17,3 tỷ đồng, 11 doanh nghiệp được hỗ trợ.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng nêu ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình hỗ trợ những đối tượng, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các đối cho các nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, từ đó dễ phát sinh việc trục lợi chính sách.
Ngoài ra, công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công nên mất thời gian và độ chính xác không cao, lao động ngoài tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương không có dữ liệu đối chiếu.
Để giải quyết tồn tại trên, TP Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác triển khai, chi trả chính sách hỗ trợ cho người dân.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bưu điện TP thiết lập tổng đài đường dây nóng gồm 5 nhánh trả lời, thành lập tổ công tác tiếp nhận, giải đáp kiến nghị, phản ánh của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ...