Hà Nội: Gần cuối năm công nhân vẫn mỏi mòn tìm việc

Phạm Công

(Dân trí) - Qua 9 tháng đầu năm, Hà Nội có khoảng 165.000 người lao động mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay nhiều công nhân bị ảnh hưởng vẫn đang mỏi mòn tìm việc làm.

Chật vật tìm việc làm

Tại cổng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cầm trên tay 3 bộ hồ sơ xin việc, nhưng chị Hoàng Ngọc Thuý quê ở Triệu Lộc, Thanh Hoá vẫn chưa thể tìm được công ty nào để ứng tuyển.

Chị Hoàng Ngọc Thuý cho biết: “Trước dịch Covid-19, tôi làm việc cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử tại KCN Bắc Thăng Long. Nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự ở đợt dịch thứ 2, tôi về quê 3 tháng nhưng không có việc làm nên mới quay lại Hà Nội xin việc”.

Hà Nội: Gần cuối năm công nhân vẫn mỏi mòn tìm việc - 1

Cầm trên tay 3 bộ hồ sơ xin việc chị Thuý chưa biết sẽ nộp vào đâu 

Quay trở lại Hà Nội đã gần nửa tháng nay, Không có thu nhập lại phải sống ở thành phố có vật giá đắt đỏ khiến áp lực sớm tìm  được việc làm đang đè nặng lên đôi vai chị. Điều chị Hoàng Ngọc Thuý mong muốn nhất lúc này là sớm tìm được cho mình công việc phù hợp để có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Cùng cảnh tìm việc, anh Dương Văn Long (30 tuổi) quê ở Ba Vì, Hà Nội cũng đang chật vật tìm cho mình việc làm. Anh cùng vợ đều là công nhân KCN Bắc Thăng Long. Mất việc đã 6 tháng nay nhưng vợ vẫn đang làm việc cho một nhà máy làm bao bì nên anh Dương Văn Long chuyển sang làm xe ôm công nghệ để có thu nhập.

Anh Dương Văn Long chia sẻ: “Làm xe ôm công nghệ lúc trước thì thu nhập cũng ổn nhưng gần đây do nhiều người làm, dịch bệnh cũng hết nên cũng chẳng ăn thua nữa, tôi quyết định quay về tìm việc làm công nhân”.

Chi phí sinh hoạt và nuôi 1 đứa con nhỏ học tại trường mầm non tư thục trên địa bàn, với thu nhập bấp bênh khiến anh Long rất mong muốn tìm được cho mình một công việc mới.

Hà Nội: Gần cuối năm công nhân vẫn mỏi mòn tìm việc - 2

Nhu cầu tìm việc cuối năm không nhỏ

“Tôi vẫn hy vọng tìm được công việc mới ổn định hơn, bây giờ với thu nhập của hai vợ chồng phải sống tiết kiệm lắm mới đủ, nhỡ có ốm đau không biết lấy tiền đâu ra mà chạy chữa”  - anh Dương Văn Long Tâm sự.

Vừa mới tốt nghiệp THPT, anh Trần Văn Bình (18 tuổi) quê ở Việt Yên, Bắc Giang không tiếp tục đi học mà lựa chọn cho mình con đường làm công nhân. Đã đi nhiều KCN ở Bắc Ninh nhưng chưa tìm được việc làm anh tìm đến KCN Bắc Thăng Long.

Anh Trần Văn Bình cho biết: “Tôi mới xuống Hà Nội lúc sáng liền ra bảng thông báo tuyển dụng của KCN tìm việc làm ngay. Mong muốn của tôi là tìm được nhà máy về lắp ráp, điện tử và có giờ làm ổn định”.

Dự kiến của anh Trần Văn Bình nếu không tìm được việc làm ở Hà Nội sẽ tìm việc ở một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên hay Vĩnh Phúc.

Không chỉ anh Long, anh Bình, chị Thuý mà còn rất nhiều lao động khác đang loay hoay tìm kiếm cho mình việc làm sau bão dịch Covid-19. Họ đều có một hy vọng, sẽ sớm tìm được một công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn.

Nhu cầu việc làm tăng cao

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội - cho biết: “Tình trạng nhiều công nhân khó khăn tìm việc làm diễn ra là vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cắt giảm sản xuất khiến không ít công nhân mất việc dẫn đến tình trạng thừa lao động”.

Hà Nội: Gần cuối năm công nhân vẫn mỏi mòn tìm việc - 3

 Anh Trần Văn Bình đang chật vật tìm việc 

Cùng với đó là nhu cầu về tài chính, tiêu dùng dịp cuối năm khiến nhiều công nhân mất việc do dịch bệnh Covid-19 chủ động tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, thiếu việc làm quá lâu, nhiều lao động khó khăn về kinh tế mong muốn sớm có việc làm trang trải cho cuộc sống.

Theo ông Đinh Quốc Toản, việc thừa lao động thiếu việc làm dẫn đến các doanh nghiệp tuyển công nhân khắt khe và nhiều yêu cầu đối với công nhân hơn đặc biệt là kinh nghiệm. Không ít công nhân không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp vì thiếu chuyên môn.

Trong bối cảnh doanh nghiệp tuyển dụng hiếm hoi như hiện nay, ông Đinh Quốc Toản cho rằng, người lao động nên tìm kiếm các doanh nghiệp có ngành nghề đã từng làm, vận dụng kinh nghiệm vào các cuộc phỏng vấn sẽ dễ dàng tìm kiếm công việc hơn.

Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, 9 tháng đầu năm trên toàn thành phố có khoảng 165.000 người lao động mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, dệt may, da giày.

Cụ thể, 4.204 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho không ít công nhân viên chức lao động lâm vào cảnh mất việc đời sống vô cùng khó khăn.