Hà Nội: Công nhân vệ sinh môi trường làm việc gấp ba lần trong ngày đầu năm
(Dân trí) - Trong khi mọi người mới bắt đầu trở lại công việc thường nhật thì những công nhân vệ sinh môi trường đang "căng mình" làm việc gấp hai gấp ba lần ngày thường.
Chật vật đầu năm
Những ngày sau Tết là thời gian cao điểm của rác thải đổ ra đường phố Hà Nội. Theo chị Hoàng Thị Kha, nhân viên Công ty Môi trường Thành Công, Tết năm nay lượng rác thải đổ ra môi trường tăng gấp đôi so với các năm trước.
Chị Hoàng Thị Kha tâm sự: "Ngày bình thường, để thu gom vận chuyển lượng rác thải hàng ngày thải ra đã là một công việc rất vất vả, áp lực nhưng những ngày sau Tết khối lượng rác thải ra nhiều càng khiến chúng tôi phải cố gắng hơn".
Lượng rác thải năm nay tăng gấp hai, có những khu vực tăng gấp ba năm 2020. Công ty phải huy động tối đa quân số để đảm bảo đường phố luôn sạch sẽ. Mặc dù đã có thâm niên trong nghề và lắm được quy luật công việc nhưng chị không khỏi ngỡ ngàng về khối lượng công việc đầu năm nay.
Chị cho rằng nguyên nhân chính là do người dân hạn chế việc về quê ăn tết cùng với đầu năm những cuộc hội họp, ăn uống chúc tụng nhiều hơn khiến rác thải tăng đột biến.
"Tại khu vực đường Nguyễn Trãi nơi chúng tôi phụ trách, ngày thường chỉ 5 xe cẩu là hết rác về nghỉ ngơi. Nhưng những ngày này tăng gấp đôi, gấp ba nên chúng tôi thay nhau túc trực cứ 2 tiếng xe cẩu lại về đón rác một lần" - chị Hoàng Thị Kha cho hay.
Công việc nặng nhọc vất vả là thế nhưng thu nhập của chị chỉ đủ trang trải cho cuộc sống nơi vật giá đắt đỏ như Hà Nội. Hàng tháng, tùy khối lượng khu vực được giao, lương của chị và các công nhân khác trong tổ giao động từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
"Mặc dù ngày Tết vất vả nhưng mức lương cũng tăng chẳng đáng là bao, đủ mua đồng quà tấm bánh cho các cháu. Phần nhiều là do công ty động viên chúng tôi" - chị Hoàng Thị Kha tâm sự.
Cũng làm việc xuyên Tết, chị Khuất Thị Giang, công nhân công ty vệ sinh môi trường Urenco 4, ngỡ ngàng khi lượng rác năm nay tăng vọt so với năm 2020.
Chị tâm sự: "Sau Tết Nguyên đán, lượng rác thải tăng đột biến, từ rác thải sinh hoạt sau những buổi liên hoan, cỗ bàn đến rác thải đường phố sau những chuyến du xuân, thậm chí cả những "cành đào, gốc quất" nằm chỏng chơ trên mọi ngóc ngách".
Làm nghề đã 7 năm qua, chị Khuất Thị Giang cho rằng, những ngày sau Tết trở thành nỗi ám ảnh đối với công nhân vệ sinh môi trường. Khi cả thành phố nô nức du xuân thì những người làm nghề như chị phải gồng mình dọn rác.
Nỗi khổ vì đào, quất
Quay trở lại thành phố cũng là lúc những cành đào, cây quất tàn hoa, rụng lá được vứt ngổn ngang trên vỉa hè, đường phố của Thủ đô bỗng trở thành những gánh nặng tăng thêm phần vất vả cho những công nhân vệ sinh môi trường.
"Người ta vứt rác còn dễ thu gom, còn hoa đào bị héo, rụng vương khắp đường chúng tôi phải mang theo chổi quét tỉ mỉ để thu dọn rất mất công, những cành đào cũng chiếm diện tích lớn của xe rác nên phải đẩy xe đi nhiều chuyến mới hết được một đoạn đường" - chị Khuất Thị Giang tâm sự.
Tự nhận khôi lượng việc nhiều nên thu nhập hàng tháng của chị khoảng 8 triệu đồng. Những ngày Tết, công ty hỗ trợ thêm một phần nhỏ cho những công nhân ở lại túc trực như chị.
Tâm sự với PV, chị Lưu Thị Ngoan, công nhân Công ty Môi trường Thành Công cho hay: "Ý thức người dân còn kém khi mà rác thải không được cho vào túi hay bỏ vào thùng rác mà cứ vứt bừa bãi ra vỉa hè. Chúng tôi không nề hà lượng rác tăng cao nhưng chỉ sợ rác mỗi nơi một ít".
Theo chị Lưu Thị Ngoan, đây là một công việc đặc thù, mà không phải ai cũng có thể làm được. Để mưa nắng dãi dầu ngoài đường, người làm nghề còn phải có sự kiên trì, sức chịu đựng do đặc thù của công việc khá trái ngược. Khi phải việc làm quanh năm suốt tháng, bất kể đó kể đó là ngày nghỉ hay lễ, Tết.
Chị cho rằng, công việc này còn rất nguy hiểm khi mà công nhân đứt chân, đứt tay do mảnh sành, va quyệt trong ngõ ngách, thậm chí là tai nạn lúc đêm hôm là chuyện không thể tránh khỏi.
"Nhiều lúc cũng thấy con cái tôi tủi thân mà nghẹn lòng. Tết nhất gia đình người ta sum vầy du xuân, con tôi chỉ thấy mẹ khi đã khuya. Mấy hôm nữa, công việc giảm bớt, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn" - chị Lưu Thị Ngoan bộc bạch.
Mệt mỏi và vất vả như vậy, nhưng những người như chị Ngoan, chị Giang hay chị Kha và nhiều công nhân môi trường khác chẳng hề ái ngại. Bởi họ luôn ý thức được công việc đang làm đẹp cho xã hội.
Các chị luôn hết lòng, hết sức vì nó, không đơn thuần chỉ như một nghĩa vụ bắt buộc vì nhận đồng lương nên phải làm mà còn như trách nhiệm tất yếu để luôn dành tâm huyết với nghề nghiệp của mình.