1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội: Bát nháo trung tâm giới thiệu việc làm

(Dân trí) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có đến 677 doanh nghiệp đăng kí kinh doanh về việc làm nhưng thực tế lại chỉ có 11 doanh nghiệp hoạt động thực sự và có hiệu quả. Như vậy, có đến 90% các trung tâm việc làm hoạt động kiểu “ma” ngay giữa lòng Hà Nội.

Loạn trung tâm việc… lừa

 

Trong vai một người thất nghiệp, tôi ghé vào tìm việc tại một Trung tâm giói thiệu việc làm (TTGTVL) trên đường Đê La Thành. Mới sáng sớm mà đã có khá nhiều ứng viên đến nộp đơn. Trên các bản tin được dán khắp căn phòng nhỏ của trung tâm có rất nhiều bản thông báo tuyển nhân viên của các công ty.

 

Thấy tôi chăm chú đọc mấy tờ giấy giới thiệu, một chị nhân viên của trung tâm kéo lại bàn làm việc tư vấn: “Trung tâm chị có rất nhiều chỉ tiêu việc làm. Việc gì cũng có, từ thời vụ đến chân đứng bán lâu dài trong siêu thị, làm gia sư hoặc gia đình em có điều kiện, chị cũng có thể xin việc cho em một chỗ “ngon” tại một cơ quan có uy tín…”. Và để lời nói thêm phần thuyết phục, chị nhân viên còn cho tôi xem một bản danh sách các ứng viên trước kia đến với trung tâm chị đã có những chỗ làm việc với mức lương khá cao (?).

 

Về khoản phí môi giới, chị này cho biết, phí cho công việc đứng bán hàng ở siêu thị là đóng trước 50.000 đồng làm hồ sơ, sau đó là 1/2 tiền lương tháng đầu tiên của tôi.

 

Trên thực tế, rất nhiều sinh viên, người tìm việc đã mất tiền oan cho các TTGTVL. Nhiều trường hợp việc không xin được, hoặc nếu có thì cũng không ra gì. Nhiều người mất vài trăm nghìn cho một công việc không thể gắn bó lâu dài.

 

Các TTGTVL này đều ký hợp đồng với người lao động nhưng thực chất đó chỉ là các bản hợp đồng “ma”, không có giá trị pháp lý, không soạn theo quy định của Luật Lao động. Hầu hết, phần ghi của bên A (TTGTVL) chỉ có tên công ty và tên người đại diện đứng ra ký, không có địa chỉ, số điện thoại, fax hay tài khoản; Công việc phải làm của bên B (người lao động) ghi chung chung; Các điều khoản trong hợp đồng đều có lợi cho phía công ty và có dấu hiệu của việc “bán hàng đa cấp”. 

 

Mới đây, công an phường Phương Liệt đã phát hiện TTGTVL ở 25 ngõ 377 đường Giải Phóng do đối tượng Phí Thị Kiều Ngân đứng đầu, hoạt động lừa đảo người lao động. Từ tháng 10/2005 đến nay, Ngân đã nhận 100 hồ sơ xin việc làm, thu mỗi hồ sơ 15 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Ngân không biết làm sao để xin được việc nên lờ đi, cũng không trả lại tiền.

 

Có thu hồi được giấy phép?

 

Nguồn tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã Hội cho biết, Sở đã gửi công văn tới cho khoảng 1/3 trong số 677 doanh nghiệp có đăng kí kinh doanh về việc làm trên địa bàn nhưng không thấy phản hồi. Nhiều doanh nghiệp không thể tìm thấy địa chỉ hoặc đã chuyển đi nơi khác. 

 

Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, không ít đơn vị có biểu hiện làm sai pháp luật và đã có những nơi hoạt động lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận và với người lao động đi tìm việc làm. Dù mang danh đi tuyển lao động, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chính các trung tâm này lại rất thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng. 

 

Điều đáng nói là hầu hết các TTGTVL tại Hà Nội chỉ đăng ký, lấy giấy phép nhưng không hoạt động. Tại hội chợ việc làm tại huyện Đông Anh vừa được tổ chức đã phát hiện có trung tâm đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng lao động tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất với mức phí “cắt cổ” từ 200-4.500 USD. 

 

Bên cạnh việc các TTGTVL thường tự khai thác đầu vào, đầu ra, tự mày mò nguồn nhân lực, ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thừa nhận ngay cả các trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước cũng đang xa rời nhiệm vụ chính là giới thiệu việc làm mà chủ yếu sa vào đào tạo lao động ngắn hạn để thu phí tồn tại. 

 

Trước tình trạng lộn xộn tại các TTGTVL, bà Đỗ Thị Xuân Phương cho biết, cuối năm nay, Sở sẽ hệ thống lại các TTGTVL, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp tư nhân, rút gọn còn 100 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 19/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Với các TTGTVL không có khả năng cung ứng việc làm thời gian tới buộc phải chuyển đổi, hoặc bị thu hồi giấy phép đăng ký. 

 

Bắt đầu từ ngày 1/9, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chính thức vào cuộc thực hiện việc kiểm tra, rà soát các TTGTVL theo đề án qui hoạch lại các TTGTVL trên địa bàn mà UBND TP Hà Nội vừa thông qua. Tuy nhiên ngay trước cuộc tổng kiểm tra chỉ còn một ngày, vẫn có hàng trăm nạn nhân là người lao động của các TTGTVL bị lừa đảo lao động bằng nhiều cách.

 

An Hạ