1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gỡ vướng cho người lao động nước ngoài tham gia BHXH

Những người có thu nhập cao và rất cao so với mức trần đóng BHXH có thể tự chủ động lo toan được nếu gặp những rủi ro, thất nghiệp và nhất là tích lũy cho tuổi già

Lao động người nước ngoài (NNN) là nhóm đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc nên nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn lúng túng trong thực hiện. Phóng viên đã trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, về các vấn đề liên quan.

Hiện nay TP HCM có bao nhiêu lao động NNN đang làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc? Công tác triển khai thu và số thu BHXH TP thực hiện được ra sao?

 

- Hiện TP HCM có 16.165 NNN tham gia BHYT và 14.327 người tham gia BHXH bắt buộc với 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN).

Ngay khi có Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, BHXH TP đã ban hành Công văn số 2446/BHXH-QLT triển khai thu BHXH NNN theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, BHXH TP cũng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức đối thoại với DN và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thu BHXH NNN.

Trở ngại chính của công tác thu BHXH đối với lao động NNN là gì, thưa ông?

- Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Trường hợp NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ DN như quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Hiện nay, việc xác định công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thuộc diện di chuyển nội bộ hay không đang là vướng mắc chủ yếu của DN. Trường hợp DN không tự xác định được thì có thể liên hệ cơ quan nhà nước quản lý về lao động để được hướng dẫn.

Ngoài ra, thời gian qua cũng có một số DN và NLĐ băn khoăn về việc chính sách dành cho NNN có khác với chế độ BHXH mà người Việt Nam được hưởng hay không? Để giải quyết vấn đề này, thông qua các buổi hội nghị đối thoại DN, BHXH TP đã phần nào giải đáp những vướng mắc về chính sách, đồng thời hướng dẫn cụ thể thủ tục hồ sơ tham gia, hưởng chế độ để DN hiểu rõ và thực hiện.

Gỡ vướng cho người lao động nước ngoài tham gia BHXH - 1

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu phản ánh những khúc mắc của doanh nghiệp trong việc đóng BHXH bắt buộc cho lao động người nước ngoài. Ảnh: Cao Hường

 

Nhiều lao động NNN hiện nay đang hưởng mức lương khá cao, tuy nhiên mức đóng BHXH bắt buộc lại bị giới hạn ở mức tối đa là 20 tháng lương cơ sở (1.390.000 đồng). Lao động NNN cho rằng quy định này gây thiệt thòi cho quyền lợi của họ, đồng thời cũng khiến nguồn thu của cơ quan BHXH bị hạn chế. Ý kiến của ông như thế nào?

- Mức trần đóng BHXH là một tiêu chí rất quan trọng, làm cơ sở cho việc tính toán đóng góp và hưởng chính sách BHXH. Đối với những người có thu nhập cao và rất cao so với mức trần đóng BHXH thì họ có thể tự chủ động lo toan được nếu gặp những rủi ro, thất nghiệp và nhất là tích lũy cho tuổi già. Nhà nước sẽ không can thiệp vào phần thu nhập vượt trội khỏi mức trần đóng BHXH đó.

Giới hạn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng là một chức năng "giới hạn mức quyền lợi hưởng" nhằm giữ được chức năng bảo đảm sự tồn tại mức sống của những người hưởng lương hưu và đồng thời bảo đảm khả năng chi trả về tài chính của chế độ BHXH hưu trí theo luật, phải bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời những quyền lợi BHXH thích đáng trong trường hợp được bảo hiểm khi rủi ro tương ứng xảy ra đối với sự đóng góp BHXH đầy đủ.

Cũng như ở nhiều nước, mức trần đóng BHXH phải do Chính phủ quyết định và thực hiện từng năm. Mức trần này sẽ được điều chỉnh tăng dần theo mức tăng trưởng của tiền lương, thu nhập của NLĐ. Ở nước ta quy định mức trần đóng BHXH là 20 lần lương cơ sở. Khi tiền lương cơ sở tăng thì mức trần làm căn cứ đóng BHXH cũng tăng lên về số tiền tuyệt đối.

Hiện nay, lao động NNN đã ký HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên, không ít lao động NNN cho rằng việc tham gia BHYT chưa mang lại hiệu quả thiết thực vì khi có nhu cầu, họ không thể đến các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có đăng ký KCB BHYT do rào cản ngôn ngữ. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

- Mục tiêu BHYT toàn dân là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, là chính sách xã hội hết sức nhân văn, lấy số đông người tham gia bù đắp cho số ít người bị rủi ro ốm đau, bệnh tật. Cả nước đang phấn đấu để đạt 100% người dân có thẻ BHYT.

Do đó, đơn vị sử dụng lao động cần vận động, thông tin để NLĐ, nhất là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hiểu rõ và cùng tham gia theo đúng quy định pháp luật BHYT. Hiện hệ thống cơ sở KCB ở TP HCM vẫn nhận KCB cho NNN.

Tuy nhiên, để thuận lợi khi đi KCB thì khuyến khích NNN nên có phiên dịch viên đi cùng. Trường hợp nơi KCB ban đầu không xử lý được sẽ chuyển lên tuyến trên và người tham gia vẫn được hưởng quyền lợi theo đúng quy định BHYT.

Theo Mai Chi/Báo Người Lao động