Gỡ rối Luật BHXH
Dù đến ngày 1-1-2016, Luật BHXH mới có hiệu lực nhưng nay đã bộc lộ nhiều vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn
BHXH là chính sách an sinh xã hội được đánh giá quan trọng nhất của quốc gia, tác động tới hàng chục triệu lao động nên vấn đề tổ chức triển khai sau khi luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng.
Chưa đi vào thực tế cuộc sống
Trước khi Luật BHXH có hiệu lực vào ngày 1-1-2016, mới đây, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã phối hợp tổ chức hội thảo về “Thúc đẩy triển khai thi hành Luật BHXH và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế” nhằm tìm ra những điểm còn thiếu sót, bất cập của luật để kịp thời hoàn thiện, bổ sung bằng các văn bản dưới luật.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM bị nợ lương; còn chủ doanh nghiệp thì trốn đóng BHXH
Bên cạnh các ý kiến đánh giá Luật BHXH sửa đổi khá ưu việt với nhiều chính sách mới được sửa đổi, bổ sung, nhiều đại biểu cho rằng Luật BHXH mới và một số văn bản dự thảo hướng dẫn vẫn tồn tại nhiều điểm chưa đi vào thực tế cuộc sống.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Luật BHXH quy định lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (khoản 3 điều 54).
Tuy nhiên, với cách tính lương hưu là cứ 15 năm đóng được hưởng 45%, sau đó mỗi năm cộng thêm 2% thì đến năm thứ 20, đối tượng này chỉ được hưởng tối đa 54%.
Như vậy, rất dễ rơi vào tình trạng mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung. “Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy hiện có 1.748 giáo viên mầm non nghỉ hưu đang hưởng mức lương 228.000 đồng đến dưới 900.000 đồng/tháng” - ông Lợi dẫn chứng.
Bên cạnh đó, tuy luật nêu rõ nhà nước sẽ hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện nhưng theo dự thảo nghị định mà Bộ LĐ-TB-XH đang trình Chính phủ xem xét thì khoản hỗ trợ chỉ áp dụng cho đối tượng nghèo hoặc dưới chuẩn nghèo với mức hỗ trợ khoảng 30%.
Với mức hỗ trợ này, e rằng không thu hút người dân tham gia bởi chính sách BHYT là bài học nhãn tiền: người nghèo được hỗ trợ đến 90% chi phí nhưng họ vẫn không mua BHYT!
Cần chế tài mạnh
Một vấn đề khiến nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp (DN). Ông Lê Thành Nhơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết khi DN bỏ trốn, địa phương phải gánh chịu hậu quả. Dù vậy, địa phương chỉ tạm ứng ngân sách để hỗ trợ người lao động bị nợ lương, còn nợ BHXH thì không hỗ trợ.
Do vậy, người lao động rất thiệt thòi. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, thời gian qua, BHXH TP phối hợp với nhiều cơ quan, ban - ngành làm hết sức mình nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng nợ BHXH, đặc biệt là DN nợ BHXH rồi bỏ trốn.
Theo Luật BHXH mới, một số hành vi như gian lận, chiếm dụng, trốn đóng BHXH sẽ bị xử lý hình sự. Thế nhưng, TS Đỗ Ngân Bình, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng theo dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, pháp nhân vi phạm về BHXH dường như chỉ hướng đến hình thức phạt tiền vì hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, cấm kinh doanh, cấm huy động vốn hiện không áp dụng cho các tội danh liên quan đến nợ BHXH. Vấn đề đặt ra là DN không có tiền thì lấy đâu ra mà phạt?
“Do đó, cần mở rộng hình thức xử phạt, chẳng hạn tước giấy phép, đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm để tăng tính răn đe” - bà Bình đề xuất.
Nguy cơ không bao giờ đòi được nợ
Theo TS Đỗ Ngân Bình, sở dĩ xảy ra tình trạng các cá nhân, đơn vị sử dụng đến biện pháp khởi kiện mà vẫn không hiệu quả, không thi hành án được là vì Luật Thi hành án Dân sự quy định thứ tự ưu tiên thanh toán là tiền lương, tiền công, trợ cấp... chứ không có loại tiền tên “BHXH”.
“Nếu không sửa đổi Luật Thi hành án Dân sự thì tiền BHXH không rơi vào các trường hợp ưu tiên thanh toán và sẽ không bao giờ đòi được tiền nợ BHXH” - bà Bình nói.
Theo Báo Người lao động