1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giúp việc nhà ngã quỵ khi chủ sa thải và bí mật "kèo 50-50"

Hoài Nam

(Dân trí) - Đầu tháng 6, cô Nguyễn Thị Phương muốn ngã quỵ khi chủ nhà, dù đã lựa lời khéo léo, thông báo: "Nhà con mất việc, không thể tiếp tục thuê người".

 Chủ nhà thất nghiệp, "ô sin" chới với

Cô Nguyễn Thị Phương (57 tuổi, quê ở Nghệ An) giúp việc nhà cho cặp vợ chồng trẻ ở thành phố Thủ Đức, TPHCM từ đầu năm 2021 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Công việc chính của cô là chăm bé 3 tuổi và làm việc nhà.

Giúp việc nhà ngã quỵ khi chủ sa thải và bí mật kèo 50-50 - 1

Nhiều gia đình không giữ được người giúp việc lúc dịch bệnh (Ảnh: H.N).

Mọi việc đang suôn sẻ, hai bên đều hài lòng về nhau thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Người chồng dạy yoga tại một phòng tập, còn vợ làm việc tại rạp chiếu phim, cả hai đều mất việc. Ba người lớn ở nhà, đi ra đi vào chăm một đứa trẻ, đụng mặt nhau suốt ngày.

Đến đầu tháng 6, theo lời cô Phương, nữ chủ nhà đã phải cân nhắc rất kỹ khi lựa lời nói với mình về tình trạng vợ chồng thất nghiệp, mất thu nhập. Trong khi, họ phải trả góp tiền nhà, không thể tiếp tục thuê người. Vợ chồng ở nhà, cũng có thể tự xoay xở chăm con, nhà cửa.

Nữ giúp việc nghe tin muốn ngã quỵ. Sau nhiều năm xa quê đi giúp việc, chuyển nhiều nơi, cô đang rất bằng lòng với chủ mới, muốn gắn bó lâu dài. 

"Lúc đó, tôi có hai lựa chọn, tìm giúp một chỗ làm khác hoặc về quê. Với nghề giúp việc, tìm chỗ mới phù hợp không dễ, còn về quê rất khó quay lại. Là nguồn thu nhập chính của gia đình nên cả hai phương án này tôi đều không muốn", cô Phương kể. 

Khi biết rõ, chủ nhà cũng chỉ vì điều kiện không cho phép chứ cũng muốn giữ mình lại, cô Phương đánh liều xin tiếp tục làm việc, chỉ nhận một nửa lương trong thời gian này.

Thế là "hợp đồng miệng 50 - 50" giữa nhà chủ nhà và giúp việc được lập ra. 

Chủ nhà có phần áy náy nhưng cô Phương thiện chí nói rõ, lúc này mình còn có chỗ ở, không phải lo ăn uống, có việc làm, thu nhập dù ít cũng hơn bao nhiêu người ngoài kia. Nữ giúp việc cũng tự nhắc mình làm việc kỹ hơn, chăm sóc bé nhỏ cẩn thận. 

Cô Phương phấn chấn kể, lúc đó, vợ chồng chủ nhà bắt tay vào buôn bán thực phẩm, cô tham gia đóng gói, đi giao hàng trong chung cư. Nhà có việc để làm, có thu nhập, không khí cũng bớt nặng nề hơn. 

Giúp việc nhà ngã quỵ khi chủ sa thải và bí mật kèo 50-50 - 2

Nhiều người lao động đã rời TPHCM vì không thể tiếp tục cầm cự (Ảnh: Phạm Nguyễn).

"Mới đây, người vợ đã tìm việc làm mới, anh chồng mở lớp dạy "i - ô - ga" trên mạng. Họ cũng trao đổi, sang tháng sau, khi tình hình ổn có thể hồi phục 100% lương cho mình", cô giúp việc khoe và cho biết, cô cũng đã tiêm hai mũi vắc xin. Con cái ở quê thấy mẹ trong này vẫn ổn cũng yên tâm hơn. 

Dìu nhau đi qua khó khăn

TPHCM dần nới lỏng, nhiều công ty xí nghiệp đang trong quá trình hoạt động trở lại, nhiều gia đình bắt đầu rối bời vì không có người giúp việc. Nhiều người trong ngành nghề này mất việc, mất thu nhập đã rời phố về quê hoặc tìm nơi mới. Vậy nhưng, nhiều gia đình vẫn ung dung vì có nhiều cách để giữ người làm lúc dịch bệnh. 

Gia đình anh Trần Văn Hinh, ở quận Bình Tân, TPHCM đầu tuần này đã đón cô giúp việc theo giờ quay lại và "lợi hại hơn xưa". Làm theo giờ nhưng cô không cần nhìn đồng hồ, thu dọn nhà cửa, xếp từng cuốn sách bám bụi, lau "sạch bong kin kít"...

Giúp việc nhà ngã quỵ khi chủ sa thải và bí mật kèo 50-50 - 3

Nhờ chăm lo tốt, nhiều gia đình có người giúp việc đến làm ngay sau khi thành phố nới lỏng (Ảnh: H.N).

Anh Hinh kể, thời gian rồi do giãn cách, cô không thể đến làm việc nhưng vợ chồng anh vẫn gửi hỗ trợ cô mỗi tháng 1 triệu đồng.

Theo anh Hinh, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này, các mối quan hệ từ tình cảm, gia đình cho đến học hành, công việc, quan trọng nhất là tinh thần "dìu nhau đi qua khó khăn". Đó cũng là cách để giữ người, giữ việc, nhất là người làm được việc, hợp ý mình.

"Đó không chỉ là tiền mà là còn là cái tình, sự trân trọng của mình đối với người làm. Càng tính toán thiệt hơn thì cuối cùng sẽ là người thiệt nhất. Lúc này chi phí tìm người mới còn tốn kém hơn mà chắc gì đã như ý", anh Hinh bộc bạch.  

Lúc nghịch cảnh, rất cần mỗi bên một chút cố gắng, chia sẻ, có khi chấp nhận thiệt thòi... Đó không chỉ là sự hợp tác cùng nhau vượt khó mà còn là tình người trong hoạn nạn, khi con người cần nhau nhất. 

75,6 triệu lao động giúp việc gia đình trên thế giới bị ảnh hưởng

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), điều kiện làm việc của nhiều người lao động giúp việc nhà vẫn chưa được cải thiện trong một thập kỷ qua và thậm chí còn trở nên tệ hơn do đại dịch Covid-19.

Ở thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, mức tổn thất việc làm của lao động giúp việc gia đình ở hầu hết các nước châu Âu, cũng như Canada và Nam Phi, dao động từ 5-20%. Ở châu Mỹ, tình hình còn tệ hơn với mức tổn thất việc làm lên đến 20-50%. Tại cùng thời điểm đó, mức tổn thất việc làm của những nhóm lao động khác chưa đến 15% ở hầu hết các nước.

Số liệu từ báo cáo cho thấy 75,6 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới (4,5% lao động toàn thế giới) đã và đang gánh chịu những tác động nặng nề từ đại dịch.