1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đêm trắng "trường chinh" về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư!

Hoài Nam

(Dân trí) - Đêm 30/9, cuộc "trường chinh" vật vã về quê của người lao động nghèo rời khỏi TPHCM sau hơn 120 ngày giãn cách để lại những hình ảnh khiến người xem ám ảnh, mất ngủ...

Đêm trắng trường chinh về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư! - 1

 Lao động miền Tây trên hành trình tìm đường về quê đêm 30/9 (Ảnh: Hải Long)

Trong đêm thành phố không ngủ ấy, PV Dân trí có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), người chủ biên công trình nghiên cứu "Đời sống xã hội Việt Nam đương đại" về cuộc "trường chinh" rời TPHCM của người dân. 

Tâm lý "mắc kẹt", trở về nhà là nhu cầu thiết yếu

- Thưa ông, đêm 30/9, rất nhiều người trong chúng ta mất ngủ trước hình ảnh hàng ngàn người lao động cùng con nhỏ vật vã tìm cách về quê sau khi TPHCM có quyết định nới lỏng sau nhiều tháng dài giãn cách xã hội, thực hiện chủ trương "ai ở đâu ở đó". Từng dành nhiều quan tâm, nghiên cứu đến vấn về lao động di cư trong dịch bệnh Covid-19, ông nghĩ thế nào về hiện tượng này?

- Vừa qua, tôi có nhiều cuộc trò chuyện với anh chị em lao động, công nhân di cư, tôi cảm nhận được sự lo lắng, bí bách của họ. Chúng ta cần một lần đặt mình vào tâm trạng của người lao động di dân sẽ thấu cảm hơn những nguyên do hành động của họ. 

Đêm trắng trường chinh về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư! - 2

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc.

Hơn bốn tháng trú ngụ trong những không gian chật hẹp của các phòng trọ, nguồn lực để sinh tồn của họ đã cạn. Dù rằng thành phố cũng đã tung ra các gói cứu trợ lớn, chia ra nhiều đợt nhưng với số lượng lớn người lao động, các gói này mới chỉ giải quyết phần nào nhu cầu của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Bên cạnh đó, nguyên do khác nữa là tình trạng tâm lý bị "mắc kẹt" khiến cho tâm trí người lao động mệt mỏi, hoang mang. Thế nên họ luôn ở tâm thế "vượt thoát" khỏi tình trạng này. 

Đặc biệt, qua trò chuyện với các bạn công nhân trẻ, có thể thấy sợi dây liên kết quê nhà, có cha mẹ, anh chị em ruột thịt càng mạnh mẽ hơn trong tình cảnh dịch bệnh, rủi ro. 

Tôi nhận thấy, người lao động di cư cũng rất hợp tác với chính quyền, họ chờ đợi chỉ thị mở cửa để được phép trở về quê. Việc về quê, chúng ta cần nhìn nhận, đây là một nhu cầu thiết yếu bậc nhất của người lao động di cư. 

Tuy nhiên, người làm công tác quản lý cũng có nỗi lo riêng cho kế hoạch phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. 

Như vậy, có một khoảng cách về nhu cầu giữa hai bên trong việc phục hồi trong mối tương quan toàn cảnh vĩ mô về cấu trúc kinh tế, xã hội và nhu cầu vi mô của người dân. Chính vì vậy, việc thấu cảm, giải pháp phù hợp và truyền thông phù hợp sẽ giúp cho chúng ta đưa ra những lời giải cho những bài toán nan giải của thành phố. 

- Có thể lý giải thế nào với việc người lao động di cư quyết về quê lần này, khi thành phố bắt đầu nới lỏng, mở cửa dần trở lại, sau khi họ đã cố gắng vượt qua được những ngày tháng "mắc kẹt"? 

- Như tôi đã nói ở trên, tình trạng "mắc kẹt" và ý chí "vượt thoát" khỏi tình trạng cách ly của người lao động là nguyên nhân chính yếu. Đây có thể xem là trạng thái tâm lý, tinh thần mà hàng triệu người dân Việt Nam đang mắc phải. Đối với nhóm lao động di cư, trạng thái này càng trầm trọng hơn.  

Tôi trò chuyện với các anh chị em lao động di dân, nhu cầu lớn nhất của họ lúc này là muốn về nhà nghỉ ngơi, thăm hỏi cha mẹ, sắp xếp việc gia đình, con gái... Rồi họ sẽ trở lại vì ai cũng cần việc làm, mưu sinh. 

Với người di dân, TPHCM hay Bình Dương đã là nơi chốn sinh tồn thực thụ của họ rồi. Trong mỗi người di dân có hai quê để đi đi về về chứ cũng không lo họ về quê rồi không trở lại.

Tuy nhiên, các giải pháp quản lý và truyền thông chúng ta cần hiểu để đồng hành cùng người lao động di cư, để trong họ không hằn sâu nỗi ám ảnh rủi ro, mắc kẹt ở đô thị. 

Chúng ta cần có kế hoạch đưa đi và đón về, như thành phố đã từng làm đưa những người mắc kẹt ở các khu trọ chật hẹp, dễ bị tổn thương do dịch bệnh để người dân an tâm, rồi lại đón họ về nơi họ thuộc về. Lực lượng quân đội đã hỗ trợ di chuyển người dân đến những nơi trú ẩn an toàn rất tốt và đã thu về nhiều kết quả tích cực. 

Đối với người di cư hồi hương cũng vậy, kinh nghiệm của các lần chống dịch trước, Chính phủ đã từng mở các chuyến bay đón người dân lao động, học tập từ nước ngoài trở về. Những hình ảnh đó ít nhiều gây xúc động khi chính quyền thể hiện trách nhiệm với người dân của mình. 

Tôi tin rằng khi người lao động di cư giải tỏa được tâm lý "mắc kẹt" họ sẽ nhanh chóng trở lại làm việc, lực phản hồi tích cực sẽ giúp cho thành phố có một lực lượng lao động mạnh khỏe cả thể chất và tinh thần. 

Nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ, để tình trạng di chuyển về quê tự phát như vậy thì đó là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh năng lực phòng chống, xử lý dịch bệnh bùng phát cũng như độ phủ vắc xin ở các tỉnh thành không tốt như kỳ vọng. Đó sẽ là lực phản hồi tiêu cực khi tình trạng dịch bệnh, nghèo đói lan rộng.

- Các địa phương trì hoãn việc đi lại, từ thành phố về quê của công dân, mục đích là để ngăn chặn nguy cơ làm lây lan dịch trong cộng đồng. Việc này cũng cần gắn với nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của những nhóm người yếu thế, thưa ông?

Tôi nhấn mạnh, công cuộc chống dịch chỉ có thể thành công khi đồng thuận nhân tâm, khi những phòng tuyến yếu nhất được đảm bảo. Hiện nay phòng tuyến y tế vẫn đang được coi là nơi quan trọng nhất, với cả việc phát hiện và điều trị, nhưng phòng tuyến những người yếu thế mới dễ bị xuyên thủng trên diện rộng nhất. 

Bởi chẳng có nguồn lực khổng lồ nào cản được cả trăm nghìn, hay triệu người đang đói đi tìm miếng cơm manh áo hoặc tìm cách thoát khỏi tình trạng mắc kẹt.

Đêm trắng trường chinh về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư! - 3

Sau 4 tháng cầm cự, về quê lúc này là nhu cầu thiết yếu của nhiều người lao động di cư (Ảnh: Hải Long)

Do đó, để đảm bảo phòng tuyến này vững vàng, phải huy động sự góp sức tổng lực của mạng lưới cứu trợ xã hội của cả nhà nước và tư nhân. 

Nếu không có giải pháp an sinh thì cái giá mà chúng ta phải bỏ ra là nhiều triệu mét khối oxy và cuối cùng là sinh mạng con người, thậm chí là nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ trên diện rộng, virus ở trong cộng đồng một thời gian dài, sinh ra các biến chủng. 

Trong tất cả các bài học của nhiều quốc gia khác, khi hệ thống y tế sụp đổ thì người nghèo tử vong nhiều nhất, đói nhiều nhất và đương nhiên cũng dẫn tới nguy cơ bất ổn xã hội. 

Hơn lúc nào hết, các tỉnh thành cần có chiến lược tổng thể, nhất quán và có lời hiệu triệu để các thành phần dân cư có điều kiện cùng chung tay với chính quyền để tất cả chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch lần này. 

Ngay cả những người lao động di cư, họ cũng có sáng kiến góp phần vào công cuộc chống dịch chung của thành phố chứ không đơn thuần là nhóm thụ hưởng thụ động. 

Trên thế giới, đặc biệt tại các khu vực châu Mỹ Latinh có các mô hình tương trợ xã hội theo nhóm xã hội sơ cấp với mối quan hệ theo chiều ngang rất thành công trong việc huy động người dân tương trợ nhau những lúc khó khăn. Ưu điểm của các nhóm sơ cấp là tính linh hoạt, hành động nhanh chóng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người cùng chung cảnh ngộ.

Bức tranh "hậu Covid" cần tâm thế thích ứng chủ động

- TPHCM đã lên phương án đón người lao động trở lại trong tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch quét qua nhưng điều chúng ta chứng kiến vẫn là cảnh người lao động di cư rút khỏi thành phố. Theo ông, bài toàn này cần được giải theo cách nào về khẩn cấp lẫn lâu dài?

Cần nhìn nhận Covid -19 là vấn đề phức hợp của đời sống xã hội, không thuần túy là vấn đề dịch tễ mà là tổng thể các khía cạnh vấn đề đời sống xã hội như: sức khỏe, điều kiện sinh tồn, tương tác xã hội, việc làm, thu nhập, chi tiêu của người dân. 

Đêm trắng trường chinh về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư! - 4

Chính quyền và cả mỗi người lao động cần tâm thế thích ứng hậu Covid (Ảnh: Hải Long).

Chính vì vậy, ngoài chiến lược kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin và sắp tới đây là phục hồi kinh tế thì cần phải đồng bộ các giải pháp khác hướng mục tiêu an dân, nâng cao khả năng thích ứng cho việc sống chung với dịch bệnh. 

Thành phố cũng cần kích hoạt đồng bộ các phân khu chức năng cho tiến trình phục hồi, tái thiết hạ tầng đô thị, khởi động sản xuất, thương mại dịch vụ. Chính hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ năng động vốn dĩ của thành phố sẽ thúc đẩy sự hồi sinh cấu hình kinh tế xã hội.

Khi doanh nghiệp mở cửa, họ sẽ cùng thành phố tính toán cho người lao động và đảm bảo các nguồn thu nhập cho người lao động. Lúc đó, thành phố sẽ nhanh chóng trở lại bình thường mới, mọi người sẽ trong tâm thế sống chung với dịch, thận trọng và an toàn hơn. 

- Viễn tượng xã hội hậu Covid-19 mà ông có thể hình dung? Bức tranh đó cần được chuẩn bị chất liệu như thế nào để chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những gam màu tươi sáng?

Hiện thành phố đang từng bước mở cửa để chung sống, và thích ứng với cuộc sống sau đại dịch. Chúng ta cũng cần bình tĩnh tiếp nhận điều này với tâm thế thích ứng chủ động hay còn gọi là thích ứng có kế hoạch.

Viễn tượng xã hội cho một thực tại con người sống chung với dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Nhưng dịch bệnh còn kéo dài và có một số xu hướng có thể gây tổn thương cho các nhóm yếu thế; thương tổn, sang chấn tâm lý; thiếu đói ở nhóm người thiểu số.... Những việc này sẽ ít được quan tâm hơn do tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Đêm trắng trường chinh về quê: Nhu cầu thiết yếu của người di cư! - 5

An sinh xã hội sẽ là lời giải để người lao động di cư quay lại thành phố (Ảnh: Hải Long).

Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn không phân biệt loại hình; xu hướng số hóa đi kèm với rủi ro về an toàn thông tin và phân tầng xã hội sẽ mạnh mẽ hơn. Những khó khăn này chắc chắn là vấn đề thách thức lớn cho việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, nhất là lao động di cư. 

Tuy nhiên, những mối quan tâm về chính sách được lựa chọn theo cấp độ ưu tiên trong tổng thể các vấn đề phức tạp của xã hội như: Tái thiết xã hội sau đại dịch, sống chung với đại dịch với chính sách vắc xin; Phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc "sống chung với dịch"; vận hành "hộ chiếu vắc xin"... 

Đợt bùng phát dịch lần này có thể xem là những tiền đề nền tảng cho chính sách an sinh xã hội với người lao động. Vấn đề an sinh xã hội của người lao động được đặt lên bàn nghị sự, xuất hiện với tần suất cao trong các văn bản, chỉ thị, công điện, quyết định liên quan đến dịch bệnh. Các định chế an sinh xã hội cho người lao động, người yếu thế, chẳng hạn như: Trung tâm an sinh xã hội, chính sách trợ cấp người lao động gặp khó khăn...

Tất cả những điều này, tôi tin sẽ là một định chế bền vững, không bị quên lãng.

- Trân trọng cảm ơn ông!