Giúp hàng trăm ngàn hộ nghèo tiếp cận vốn sản xuất
Sau 20 năm triển khai, gần 350.000 hộ nông dân đã được vay vốn đầu tư sản xuất, chủ yếu khoản vay là đầu tư cho chăn nuôi, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Trong số hộ nông dân trên, hơn 315.986 lượt hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo.
Đây là kết quả từ Hội nghị tổng kết Dự án xóa đói giảm nghèo KFW do Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng Agribank tổ chức tại thành phố Ninh Bình hôm 20/4.
Được biết, Dự án xóa đói giảm nghèo KFM được Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam từ năm 1994 - 2015, trong đó cơ quan chủ Dự án là Bộ LĐ-TBXH và cơ quan thực hiện dự án là Ngân hàng Agribank.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu ban đầu của Dự án nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo theo hướng tự cứu. Dự án được chia thành 3 giai đoạn và thực hiện ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Bắc và Trung.
“Thông qua Dự án, các hộ nghèo vay vốn đã dần tiếp cận với dịch vụ tín dụng, biết tính toán đầu tư sản xuất, kinh doanh, biết chi tiêu trong gia đình. Việc trợ giúp họ vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất, tạo thu nhập đã làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo, phát huy được nội lực tự mình vươn lên, tự cứu mình trong sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội và của Nhà nước” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.
Sau 20 năm triển khai, Dự án đã tạo điều kiện cho gần 350.000 hộ nông dân, trong đó có 315.986 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, chủ yếu khoản vay là đầu tư cho chăn nuôi, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, Dự án đã trực tiếp tạo ra hơn 120.404 việc làm mới và giúp cho 630.000 lao động có thêm việc làm. So với mục tiêu mong đợi ban đầu thì số hộ được vay vốn từ dự án cao hơn gấp 2 lần. Dự án đã giúp cho các hộ gia đình vay vốn tăng thêm thu nhập khoảng 20% sau mỗi chu kỳ vay vốn và gần 20% số hộ vay vốn đã thoát nghèo.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá, các mục tiêu đặt ra đã cơ bản hoàn thành, như: Cung cấp nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất; đảm bảo vốn vay có hiệu quả, tạo việc làm tăng thu nhập; nâng cao năng lực của người nghèo trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay; hoàn thành và từng bước hoàn thiện cơ chế điều hành, quản lý hoạt động cho vay các nguồn vốn ủy thác; hình thành được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương cũng như địa phương, đặc biệt là bảo toàn được vốn vay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, hạn chế dự án là mức cho vay còn thấp, lãi suất cho vay cao ngang với lãi suất thị trường, gây khó khăn trong quá trình triển khai; chưa gắn kết thường xuyên giữa vấn đề cung cấp vốn và hướng dẫn kỹ thuật.
Việc thực hiện tốt dự án cũng đã góp phần phát triển kinh tế, thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Một số tỉnh nguồn vốn dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác được thế mạnh của địa phương.
Đơn cử như việc phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc ở các tỉnh như Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, cây mía ở Hòa Bình, Nghệ An và đầu tư vào nuôi trồng thuỷ, hải sản ở các tỉnh ven biển Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định…
Phan Minh
Tin liên quan:
Thái Bình: Xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo mới giai đoạn 2017-2020
Tỉnh Thái Bình vừa công bố kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020. Các chỉ tiêu trong kế hoạch được xây dựng dựa trên chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Theo đó, Chương trình bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% trở lên/năm; Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trước hết về giáo dục, y tế, nước sạch và tiếp cận thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; 100% lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm…Kế hoạch cũng nêu ra các nhóm giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 – 2020, như: Nhóm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhóm giải pháp hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo; Nhóm giải pháp về chính sách xã hội hỗ trợ người nghèo; Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.
V.P
Quỹ CEP: 26 năm đồng hành cùng người nghèo
Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP, thuộc Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập từ năm 1991. Suốt 26 năm hoạt động, Quỹ CEP đã hỗ trợ hơn 2,9 triệu lượt người lao động nghèo.
Là tổ chức xã hội phi lợi nhuận, Quỹ CEP gắn bó trực tiếp với người lao động nghèo. Theo đó, tối thiểu 80% các thành viên vay vốn lần đầu tiên thuộc diện hộ nghèo và nghèo nhất, theo tiêu chí đánh giá của CEP để tập trung đúng đối tượng. Sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ CEP giúp nhiều gia đình công nhân, lao động nghèo vượt khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua 26 năm hoạt động, CEP đã đưa đồng vốn đến tận tay trên 2,9 triệu lượt công nhân, người lao động nghèo vay vốn với số tiền cho vay trên 27.000 tỷ đồng. Các sản phẩm tín dụng gồm: tín dụng tăng thu nhập, tín dụng sửa chữa nhà, tín dụng học nghề với lãi suất bình quân 0,5-0,9%/tháng, mức vay tối đa 30 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có sản phẩm tiết kiệm nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên tích góp những khoản để dành rất nhỏ hàng tuần, có thói quen tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống của người lao động.
K.N
Hà Nội: Chi hơn 10.000 tỉ đồng giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Theo UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn năm 2016-2020, nguồn kinh phí 10.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được dành cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tới các hộ dân trên địa bàn các quận, huyện của Thành phố.
Trước mắt, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Tới cuối năm 2020, thành phố Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố dưới 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3%. Được biết, số tiền hơn 10.000 tỉ đồng trên có từ 3 nguồn kinh phí: Kinh phí thực hiện các chính sách hiện hành của Chính phủ và thành phố gồm hơn 7.125 tỉ đồng; kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hơn 2.575 tỉ đồng; kinh phí ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi 500 tỉ đồng.
M.N