1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giúp người dân tự quyết cách thức giảm nghèo

(Dân trí) - “Tiêu chí đa chiều của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, số hộ nghèo là 9,8% và cận nghèo 5,2%, trong đó 86% là nghèo thu nhập. Đây là thách thức lớn đối với giảm nghèo Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo nhất là với 63 huyện nghèo”.


Các đại biểu tham quan gian hàng do phụ nữ tỉnh Bắc Kạn sản xuất.

Các đại biểu tham quan gian hàng do phụ nữ tỉnh Bắc Kạn sản xuất.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (2012-2016) (dự án PRPP). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện hôm 23/11 tại Hà Nội.

Dự án PRPP đã được triển khai tại 8 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh. Mục tiêu của Dự án nhằm đổi mới, cải thiện hệ thống chính sách và chương trình liên quan đến giảm nghèo ở tầm vĩ mô, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và thế giới.

Đánh giá về kết quả của chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và chính quyền cơ sở thông qua những thay đổi nhất định về đời sống và chính sách.

PRPP đã triển khai tổng số 566 nhóm hoạt động từ trung ương đến tận thôn bản; 192 hội thảo, đối thoại, tham vấn, tập huấn nâng cao năng lực; rà soát 168 chính sách, văn bản liên quan đến giảm nghèo.

Theo đó, Dự án phần nào giúp thay đổi nhận thức của người nghèo: cam kết thoát nghèo, chủ động tham gia, đóng góp; Tạo sự gắn kết cộng đồng - tác động lan tỏa: Tăng cường tính làm chủ của cộng đồng, trong đó đồng bào giúp đồng bào sau khi tự vươn lên.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, bên cạnh hỗ trợ rà soát chính sách, điểm nổi bật của dự án PRPP đã giúp xây dựng mô hình giảm nghèo tại các địa phương, với phương châm người dân làm chủ để phát huy nội lực của chính người dân. “Người dân lập kế hoạch, tự quyết định lựa chọn cây con giống thích hợp với gia đình để giảm nghèo”.

Đồng thời qua thực hiện dự án, năng lực quản lý và thực hiện dự án, chương trình ở cấp địa phương đặc biệt là cấp xã được chuyển biến rõ nét. Vai trò điều phối và tham mưu chính sách của Sở LĐ-TB&XH và Ban Dân tộc cũng được phát huy tích cực hơn thông qua việc kêu gọi sự tham gia của các ban, ngành khác.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ Ban dân tộc Đỗ Văn Chiến, cho rằng một số chính sách quan trọng do dự án PRPP hỗ trợ xây dựng chỉ mới được khởi động. Ủy ban Dân tộc kiến nghị tiếp tục được nhận hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP, Irish Aid và các đối tác trong giai đoạn 2017 - 2020, để có thể hoàn thành các mục tiêu dự án.

Đại diện cho địa phương được thụ hưởng dự án, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Việc hỗ trợ xây dựng chính sách giảm nghèo của dự án PRPP có vai trò rất quan trọng. Bởi, Điện Biên có tới hơn 48% hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới”.

Thời gian tới, ông Lê Văn Quý đề xuất nên chuyển việc đầu tư các chương trình giảm nghèo cho người dân tự quyết. Chính quyền cấp xã chỉ quản lý về mặt nhà nước và kỹ thuật. “Bên cạnh đó, các chính sách cần hạn chế việc cho không, mà chuyển sang cho vay vốn, để tránh tư tưởng ỷ lại”.

Kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững 2012 - 2016, các chuyên gia tư vấn độc lập của dự án PRPP nhận định: Lần đầu tiên trong giảm nghèo, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia. Các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo, phát huy nội lực của cộng đồng, tiếp cận nhân học, trao quyền cho phụ nữ, mô hình tạo việc làm công cho người nghèo được tài liệu hóa và chính thức, được phê duyệt trong Khung thiết kế của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

TIN VẮN:

Lao động từ 24-30 tuổi: Có tỷ lệ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất

Người lao động ở độ tuổi 24-40 hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân là nhóm lao động có sức khỏe, năng động, nhu cầu chuyển đổi công việc cao hơn các nhóm khác. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn các nhóm tuổi khác. Đây là đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tình hình hình hiện nay.

Giúp người dân tự quyết cách thức giảm nghèo - 2

Trong đó, lao động nữ mất việc làm nhiều hơn lao động nam, chủ yếu ở nhóm tuổi 24-40 tuổi do phải đối mặt với nhiều rào cản trên thị trường lao động- việc làm như: tồn tại sự phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam, hạn chế trong lựa chọn công việc (một số lĩnh vực lao động nữ không thể tham gia)…Theo số liệu tới tháng 9/2016, toàn quốc có 597.173 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn việc làm, 95.774 người được giới thiệu việc làm, 18.297 được hỗ trợ dạy nghề, 382.549 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đánh giá của Cục Việc làm cho thấy, việc tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2015 là 527.332 người, tăng nhẹ 2,1% so với năm 2014 (516.483 người). Nguyên nhân là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng dẫn tới số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Đồng thời, tình hình kinh tế tuy đã ổn định nhưng còn nhiều khó khăn, tại các doanh nghiệp tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất vẫn tiếp diễn kéo theo việc cắt giảm lao động nên số người thất nghiệp do đó tăng theo.

Về hỗ trợ học nghề, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng tìm được việc làm.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, người lao động chủ yếu đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe...

H.O

Hoàng Mạnh