1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội

Nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) xuống dốc giữa đại dịch do virus corona, riêng nghề làm đèn lồng đều đặn ra hàng.

Tại các cơ sở sản xuất đèn lồng ở TP.Hội An, công việc vẫn tiếp diễn như mọi khi, nghề làm đèn lồng Hội An vẫn giải quyết lao động cho nhiều hộ dân và cho thu nhập đều đều dù lượng khách du lịch Hội An vắng hẳn đi do ảnh hưởng của đại dịch corona.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 1

Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch corona, khách du lịch vắng vẻ, nhưng công việc của thợ dán đèn lồng tại các cơ sở đèn lồng Hội An vẫn liên tục phát triển. Đây là hình ảnh được ghi nhận tại cơ sở đèn lồng Minh Hiền và các cửa hiệu đèn lồng dọc tuyến phố đêm An Hội, TP.Hội An.

Nghề đèn lồng vẫn “tiếp diễn” dù vắng khách du lịch

Khi mà cả thế giới đang nháo nhào trong đại dịch corona, hơn ai hết du lịch là ngành chịu tổn thất nhất. Hội An cũng vậy, du lịch Hội An mùa này chìm trong mảng màu u buồn bởi ảnh hưởng của đại dịch corona.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 2
Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 3

Trước đây, cảnh xô bồ, tắc nghẽn mỗi buổi tối trên những tuyến đường đi bộ Công Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú,... là hình ảnh mà bất cứ du khách nào đến Hội An dịp xuân đều gặp phải. Mùa xuân năm nay, hình ảnh ấy dường như đã nhạt dần.

Dù thế, những ánh đèn lồng rực rỡ sắc màu vẫn lung linh, huyền ảo dọc các tuyến đường, cửa hiệu. Hơn thế, ánh đèn lồng lại là nguồn sáng, nguồn sống cho nhiều người dân đang tồn tại trên mảnh đất ven sông Hoài mấy chục năm nay.

Đến cơ sở làm đèn lồng Minh Hiền, mỗi ngày những căn nhà trên tuyến phố Cao Hồng Lĩnh, cạnh Quảng Trường Sông Hoài, luôn có mặt nhân viên miệt mài bên những chiếc đèn lồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền (30 tuổi, nhân viên cơ sở sản xuất đèn lồng Minh Hiền) cho hay: “Mỗi ngày nhân viên ở đây làm ra trên 300 chiếc đèn lồng. Đa phần các thợ đều nhận hàng về nhà làm, chỉ vài nhân viên làm tại cơ sở. Hằng ngày, các chủ shop vẫn đặt hàng đều đặn và thợ làm đèn lồng vẫn có việc làm thường xuyên. Không chỉ sản xuất cung cấp cho các chủ shop Hội An mà đèn lồng còn được khách đặt sỉ trong và ngoài nước".

Dọc tuyến đường chợ đêm An Hội vào đầu giờ chiều vẫn bắt gặp hình ảnh thợ dán đèn lồng trước các cửa hiệu. Những chiếc đèn lồng được dán vải gấm, vải lụa thêu muôn sắc màu.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 4

Dán vải đèn lồng được thợ nhận về làm tại nhà; công đoạn này khá dễ, ai cũng có thể tham gia.

Theo ông Nguyễn Kim Thạnh (54 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Thanh Thư) nói: “Mỗi ngày bình quân ông dán được 20 chiếc đèn lồng. Đây là nghề nuôi sống gia đình ông 40 năm nay. Dù mùa dịch corona nhưng cơ sở ông vẫn sản xuất đèn lồng đều đặn mỗi ngày, khách du lịch vẫn ghé mua đèn lồng Hội An, dù không tấp nập như những ngày trước Tết. Thợ dán đèn lồng mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng/người từ sản phẩm của mình. Vì thế mà công việc của họ không bị ảnh hưởng gì từ dịch corona”.

Vẻ vang đèn lồng Hội An

Ngược thời gian tìm về nguồn cội, có lẽ đèn lồng Hội An đã tốn không ít giấy mực của bao nhà báo, thi ca, các nhà văn hóa, lịch sử,… về chiếc đèn lồng có nguồn gốc xuất xứ và lịch sử vẻ vang, kèm đó là những lời ca tụng về một sản phẩm nghệ thuật xuất sắc dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làm đèn lồng Hội An.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 5

Ông Thạnh vừa trông cửa hàng vừa tranh thủ dán vải đèn lồng, mỗi ngày ông dán được 20 chiếc đèn lồng.

Ông Thạnh cho biết thêm: “Đèn lồng Hội An có từ thời cách đây hơn 400 năm, đó là sản phẩm người Trung Hoa mang sang Hội An trong thời gian sinh sống, giao thương tại đây. Tuy nhiên, với người dân Hôị An, người sáng tạo ra chiếc đèn lồng Hội An hôm nay là ông Huỳnh Văn Ba (phường Tân An) hay còn gọi là ông Ba Gà. Với sự mày mò và học hỏi ông đã làm nên chiếc đèn lồng tinh tế và mang nét riêng biệt của Hội An. Đến nay, con cháu ông Ba vẫn đang nối dõi nghề đèn lồng”.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 6

Chị Tuyền cho hay: “Vải làm đèn lồng được xuất xứ từ miền Bắc và được đan thêu hình ảnh chùa Cầu Hội An, con người, di tích Hội An bởi các thợ thêu tại Hội An”.

Đèn lồng Hội An ban đầu là chiếc đèn lồng đóng khung, không xếp được, nhưng sau đó người Hội An đã chế tạo ra chiếc đèn lồng thông minh, có thể xếp gọn, tiện lợi cho việc di chuyển. Đèn lồng đa dạng mẫu hình: bát giác, ngũ giác, tròn, vuông,…

Bờ sông Hoài trữ tình về đêm càng tô điểm thêm nét thơ mộng bởi những ánh đèn lồng dọc bờ sông cùng tiếng đàn, điệu nhạc du dương vang vọng từ các dãy nhà hàng, quán bar. Cũng bởi thế mà Hội An bao đời vẫn là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách bốn phương.

Giữa dịch corona, nghề đèn lồng 400 năm vẫn tấp nập phố Hội - 7

Những chiếc đèn lồng bày bán dọc các cửa hàng tuyến phố đi bộ Hội An.

Đèn lồng Hội An vang danh toàn cầu, khách Tây đến Hội An không quên đặt mua đèn lồng mang về nước trưng bày. Khách Việt thì nói về đèn lồng Hội An như một sản phẩm thủ công truyền thống, một nét đẹp trầm lặng mà sâu lắng.

Những chiếc đèn lồng Hội An được treo khắp sân nhà, chùa chiền, lễ hội du lịch, các doanh nghiệp làm nên thương hiệu Hội An mỗi khi nhắc nhớ.

Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử hay bao biến cố của thời đại thì chiếc đèn lồng Hội An vẫn sống mãi với thời gian, tô điểm vẻ đẹp quang cảnh và con người Hội An hào hoa, nhân hậu.

Theo Phương Đông - Hồ Phương/Danviet.vn