Giới trẻ Nhật chết vì làm việc quá sức

Tại Nhật đang xảy ra tình trạng giới trẻ họ làm việc quá sức, một số người uống thuốc quá liều dẫn tới tử vong.

Nhiều người từng được nghe tới thuật ngữ "Karoshi” ở Nhật Bản. Theo đó nghĩa của thuật ngữ là mô tả những cái chết có nguyên nhân từ làm việc quá mức.

BBC dẫn trường hợp của bà Michiyo Nishigaki ở Tokyo có con trai là nạn nhân của Karoshi. Bà cho biết gia đình rất tự hào khi anh Naoya tìm được việc làm tại một trong những công ty viễn thông lớn nhất nhì ở Nhật.

Công việc rất phù hợp với sở trường của Naoya và anh lại tìm được chỗ làm ngay sau khi tốt nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động Nhật đang rất cạnh tranh. Tuy nhiên, không lâu sau, anh thường xuyên tỏ dấu hiệu mệt mỏi, thậm chí khủng hoảng.

Mẹ của chàng trai cho biết, nó từng kể có lần đã phải làm việc liên tục tổng cộng 37 tiếng đồng hồ, từ hôm trước đến 10 giờ đêm hôm sau. Cuối cùng anh qua đời ở tuổi 27 do uống thuốc quá liều.

Trong quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện Naoya từng viết trên trang cá nhân: “Tại sao phải làm việc quá nhiều như thế? Tôi kiệt sức và chán ghét mọi thứ. Tôi cố kìm nén bằng cách dùng thuốc nhưng ngày càng không còn nhiều tác dụng. Tôi nên làm gì đây?”.


Ảnh: INDIA TIMES

Ảnh: INDIA TIMES

Mới đây, báo chí Nhật cũng đưa tin các nhà điều tra tiêu chuẩn lao động tại Tokyo đã kết luận vụ cô Matsuri Takahashi tự sát ngày 25/12/2015 là một trường hợp Karoshi.

Được biết Matsuri Takahashi kết liễu đời mình ở tuổi 24, chỉ 8 tháng sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào làm việc trong một công ty quảng cáo lớn. Luật sư đại diện gia đình nạn nhân cho hay kể từ khi cô được ký hợp đồng chính thức, khối lượng công việc tăng vọt, dẫn tới trầm cảm nặng.

“Tôi thật sự muốn chết. Chúng ta làm việc để sống hay sống để làm việc?”, Takahashi viết trên Twitter. Theo giới điều tra, trong tháng 11/2015, một tháng trước khi tự sát, Takahashi phải làm việc thêm giờ đến 105 tiếng.

Thời gian qua, chính phủ Nhật đã phát động nhiều chiến dịch để ngăn chặn Karoshi. Trong đó có chương trình “Thứ sáu vui” kêu gọi doanh nghiệp cho nhân viên tan sở lúc khoảng 15 giờ vào thứ sáu cuối cùng của mỗi tháng.

Hiện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đang nghiên cứu quy định để lao động có nhiều ngày nghỉ hơn. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe tâm lý của người lao động, nhà chức trách quy định tất cả những cơ sở có từ 50 nhân viên trở lên phải thường xuyên cho kiểm tra nguy cơ căng thẳng, theo Nikkei Asian Review.

Thậm chí, chính quyền quận Toshima, thủ đô Tokyo còn thực hiện quy định các văn phòng phải tắt đèn lúc muộn nhất là 19 giờ nhằm buộc mọi người về nhà.

Ngoài việc giới trẻ Nhật làm việc quá sức dẫn tới tử vong, trước đó theo Japan Times, tình trạng khủng hoảng dân số ở Nhật Bản do xã hội già hóa và tỷ lệ sinh thấp ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, một bộ phận lớn giới trẻ tại đây hiện nói không với yêu đương, tình dục và hôn nhân.

Nakamura (18 tuổi, sinh viên khoa Kinh tế tại một trường đại học ở Tokyo) cho biết, anh rùng mình mỗi khi tưởng tượng tới việc hẹn hò với một cô gái.

Không chỉ riêng Nakamura, nhiều bạn trẻ Nhật Bản ngày càng hướng đến lối sống tiêu cực, không yêu đương, không tình dục và không hôn nhân.

Theo khảo sát do công ty tư vấn hôn nhân Onet công bố hồi cuối tháng 1/2016, 74,3% thanh niên Nhật ở độ tuổi 20 chưa từng hẹn hò.

Một nghiên cứu khác do Cabinet Office tiến hành đối với 7.000 người ở độ tuổi 20-30 cũng cho thấy, khoảng 40% dân độc thân khoảng 20 tuổi không có ý định tìm kiếm một mối quan hệ. Nhóm bạn trẻ này quan niệm “yêu đương rất rắc rối” và “sở thích của bản thân cần được ưu tiên hơn cả”.

Tình trạng những người trẻ ở xứ sở hoa anh đào (đặc biệt là nam giới chưa từng quan hệ tình dục) ngày càng gia tăng.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Nhật Bản (JFPA), tỷ lệ phái mạnh trong khoảng 25-30 tuổi “không có hứng thú” hay “coi thường chuyện chăn gối” tăng lên đều đặn. Năm 2014, con số này là 21,6%, tăng 13,3% so với năm 2008...

Không chỉ vậy, theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, chỉ sau 10 năm, số chàng trai ở độ tuổi 20 không muốn có con tăng mạnh.

Theo Báo Đất Việt