Nghệ An:
Giáp Tết, kiếm ngày nửa triệu đồng nhờ... cắt lá chuối
(Dân trí) - Một ngày, một người có thể cắt từ 1-1,5 tạ lá chuối. Với mức giá hiện tại, mỗi lao động có thể bỏ túi ít nhất nửa triệu đồng/ngày.
Ở cái tuổi hơn 70, bà Trần Thị Thanh (xóm Thành Sơn, xã Long Xá, Hưng Nguyên, Nghệ An) không thể rong ruổi trên chiếc xe đạp đi cắt lá chuối nữa nhưng đã có 4 đứa con "nối nghiệp".
Trong khi chị Nguyễn Thị Thanh và Hà Thị Xuân (con dâu bà Thanh) đi cắt lá chuối thì hai người con trai chỉ là lao động thời vụ do đang bận công tác ở địa phương.
"Nghề này vất vả lắm nhưng đã giúp tôi công ăn việc làm, nuôi mấy đứa con khôn lớn", bà Thanh tự hào về công việc của mình.
Những năm 80 của thế kỷ trước cả làng kéo nhau đi hái lá chuối bán cho các cơ sở làm giò, nem ở TP Vinh. Mấy năm gần đây, công việc vất vả nên không còn mấy người cầm cự được với nghề.
Bà Thanh nhẩm tính, cả làng giờ chỉ còn 4 nhà kiếm thu nhập thường xuyên với công việc này.
"Lá chuối bán theo yến, cứ mỗi yến từ 40.000-50.000 đồng. Hai đứa con dâu của tôi, một ngày cắt được 1 - 1,5 tạ, có hôm được 2 tạ, cũng kiếm được ít nhất là 500.000 đồng/ngày" bà Thanh cho hay.
Nghe cắt lá tưởng đơn giản nhưng thực ra công việc này rất vất vả, cần sự chịu khó và khéo léo. Đồ nghề của họ là chiếc câu liêm và con dao rọc lá sắc lẹm. Sáng sớm, mang theo đồ nghề, "thợ cắt lá" rong ruổi khắp nơi để tìm nguồn lá.
Họ đến từng nhà đặt vấn đề để thu mua lá chuối trong vườn. Giá cả thỏa thuận giữa hai bên, cũng có khi gặp chủ nhà dễ tính, cho cắt lá không lấy tiền. Khi bàn bạc xong giá cả, thợ sẽ tự cắt tàu, rọc lấy phần lá, gói lại thành từng bó nhỏ.
Những người cắt lá vẫn trào lộng về công việc của mình là "ngửa mặt nhìn trời, cúi mặt ngắm đất". Để cắt được lá, họ phải ngửa mặt lên ngắm nghía, chọn được những tàu lành lặn, không quá già cũng không quá non. Bằng chiếc câu liêm, chỉ một động tác nhanh gọn, dứt khoát, tàu lá sắc lẹm lao từ trên cao xuống. Nếu không tránh kịp, phần vát nhọn của tàu chuối đâm vào mặt gây thương tích.
Lá cắt xuống sẽ được rọc để tách tàu. Việc rọc lá cũng không đơn giản, chiếc dao sắc nếu không được điều chỉnh lực và hướng có thể cắt lệch sống lá gây rách, đứt đoạn. Cứ tầm chục tàu lá sau khi cắt sạch sẽ được gói thành một một bó nhỏ, sau đó gom lại thành một bó lớn để dễ vận chuyển. Công việc ngước lên, cúi xuống cứ duy trì ngày này qua ngày khác khiến xương khớp của thợ cắt lá phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Ông Lê Văn Khang (xóm Thành Sơn) là một trong số ít những hộ gia đình còn gắn bó với nghề cắt lá chuối ở đây. Tuy nhiên, tuổi cao, con cái sợ ông phải vất vả cực nhọc nên cũng không muốn bố làm công việc này. Bởi vậy, chỉ những lúc rảnh rỗi, "nhớ nghề", ông trốn con xách câu liêm đi cắt lá.
"Trước đây nguồn lá trong dân nhiều, làm dễ hơn. Nay người ta ít trồng chuối, phải đi xa mãi bên Hà Tĩnh mới có lá để cắt. Hơn nữa năm nay mưa bão nhiều, lá cũng hiếm", ông Khang cho hay.
Theo người đàn ông có kinh nghiệm gần 30 năm cắt lá thì lá chuối vườn mềm, dễ gói nên được các cơ sở sản xuất ưa chuộng. Tuy nhiên, năm nay, do lá chuối vườn hiếm nên các cơ sở làm giò, nem chấp nhận thu mua lá chuối rừng để sản xuất dù loại lá này cứng, dễ rách khi gói, đồng nghĩa giá thu mua cũng thấp hơn.
Lá được bán cho các cơ sở sản xuất nem, giò ở TP Vinh hoặc qua một đại lý chuyên thu mua. Những hộ gia đình còn duy trì công việc này đều đã được các cơ sở "hợp đồng" quanh năm, đồng nghĩa với việc không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Vất vả nhưng bù lại, công việc này cũng cho họ thu nhập khá để lo cho con cái ăn học, xây nhà...
Giáp Tết, nhu cầu thu mua cao, hai người con dâu của bà Thanh đi từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Những người con trai của bà Thanh bận công việc nhưng bất kỳ lúc nào rảnh rỗi đều xách liềm đi cắt lá.
"Hợp đồng với người ta rồi thì nắng hay mưa cũng phải đi kiếm lá. Nói mỗi ngày kiếm nửa triệu bạc thì to nhưng cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt nên hiếm người gắn bó được với công việc này", bà Thanh cho hay.