1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giáp Tết, kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày từ cây bồn bồn

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều người dân ở Cà Mau "ăn nên làm ra" từ cây bồn bồn.

Huyện Cái Nước được xem là "thủ phủ" trồng bồn bồn của tỉnh Cà Mau. Chỉ tính riêng xã Tân Hưng Đông có gần 100 hộ trồng bồn bồn, với diện tích hơn 65 ha. Những năm qua, nhiều người dân ở địa phương có kinh tế ổn định nhờ nghề trồng bồn bồn.

Bồn bồn còn được gọi là cỏ nến, như một loại cỏ dại mọc nhiều ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Loại này thường mọc ở vùng đồng trũng nước, có khả năng chịu được mặn nên dễ sống.

Cây bồn bồn phát triển tốt nhất từ khoảng tháng 5 - 11 âm lịch. Loại cây này được trồng một lần và có thể thu hoạch xuyên suốt trong một thời gian dài.

Giáp Tết, kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày từ cây bồn bồn - 1

Người dân đang sơ chế bồn bồn.

Ông Thắng (ngụ xã Tân Hưng Đông) cho biết, thời điểm này hàng năm bồn bồn có sản lượng cao. Do đó, vài năm trước, giá bán sỉ bồn bồn tươi từ từ 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg, còn bán lẻ từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, năm nay có thể do thời tiết bất thường nên sản lượng bồn bồn khá thấp. Mặc dù hiện đang vào vụ chính nhưng người dân thu hoạch không bằng 1, 2 năm trước. Từ đó, giá bán cũng cao hơn trung bình từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg.

Giáp Tết, kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày từ cây bồn bồn - 2

Bồn bồn dễ sống, được trồng nhiều ở một số tỉnh, thành ĐBSCL. Nhiều người dân có việc làm, kinh tế ổn định nhờ vào nghề trồng loại "cỏ dại" này.

Một hộ dân trồng bồn bồn ở xã Tân Hưng Đông cho hay, hiện tại giá bán lẻ từ 32.000 đồng - 35.000 đồng/kg, còn bán sỉ khoảng 22.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Với tình hình giá thế này, khả năng đến Tết Nguyên đán có thể lên đến 40.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do dây là mặt hàng khá được ưa chuộng nên đầu ra tương đối tốt. Nhiều hộ dân có nhà cạnh quốc lộ 1 bày bán bồn bồn mỗi ngày có thể kiếm được từ 200.000 đồng - 300.000 đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều người làm nông.

Giáp Tết, kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày từ cây bồn bồn - 3

Bồn bồn có thể dùng chế biến nhiều món ăn ngon nên rất được ưa chuộng.

Bồn bồn có thể được dùng chế biến thành nhiều món ăn như xào, nhúng lẩu, làm dưa chua... Ở miền Tây trong các nhà hàng, quán ăn hay có món bồn bồn xào tép, bồn bồn xào hào. Đặc biệt, món dưa chua bồn bồn chấm nước cá kho được xem là một món ăn đặc sản.

Theo người dân địa phương, bồn bồn rất dễ trồng, ở những chỗ có nước là cây mọc tốt, không tốn nhiều công sức chăm sóc. Khi cây bồn bồn đủ lớn xanh tốt, người dân thu hoạch bằng cách tách nhánh lớn và chừa lại các nhánh nhỏ. Nhánh lớn được sơ chế bằng cách bỏ lá, gốc, chỉ lấy phần lõi non bên trong là có thể dùng làm món ăn được.

Còn các nhánh nhỏ tiếp tục lớn lên, khoảng hơn một tháng sau đó được thu hoạch theo kiểu gối đầu như vậy trong một thời gian dài.