Giáo viên Nhật Bản tặng quà trẻ khuyết tật Việt Nam
Ngày 28/5 vừa qua, toàn bộ giáo viên người Nhật và Việt của Trường quốc Tế Nhật Bản ở Hà Đông, Hà Nội có chuyến đi từ thiện đến thăm, tặng quà và tư vấn cho các giáo viên về phương pháp giáo dục trẻ em khuyết tật tại Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì.
Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì gồm nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ bị di chứng bại não, thiểu năng trí tuệ, điếc, câm... rất cần được giúp sức để hoà nhập cộng đồng, có việc làm và cơ hội thăng tiến. Hiện Trung tâm có 240 cháu đang được chăm sóc, luyện tập với hy vong tự lập cuộc sống của riêng mình. Biết được khó khăn, thiệt thòi của các trẻ Trường đã nói chuyện động viện các em cố gắng học tập chăm chỉ. Trường đã trao hơn 200 tấm chăn ấm cùng những thùng mỳ, bao gạo… tới tận tay các thầy cô và các em.
Thầy Phó Hiệu trưởng và anh Nakmura Masaya hướng dẫn tận tình tỉ mỉ các trẻ em khuyết tật gấp giấy origami môn gấp giấy truyền thống của Nhật.
Niềm vui trẻ em khuyết tật của Trung tâm khi giúp thầy, cô giáo của Trường mang những món quà.
Tại đây, Các thầy cô đã được gặp một người đồng hương, anh Nakamura Masaya, 22 tuổi, tình nguyện viên của Nhật Bản tới đây chăm sóc các trẻ em khuyết tật. Mới tới có 2 năm, nhưng anh có thể trò chuyện với mọi người bằng tiếng Việt rất tự tin, vì như anh giải thích là không ai ở đây biết tiếng Nhật và tiếng Anh, nếu muốn làm tốt công việc của mình chỉ có cách học tiếng Việt. Anh cho biết thông qua tổ chức JICA những người tình nguyện Nhật Bản sẽ lần lượt thay nhau làm việc ở đây để chăm sóc trẻ em tật nguyền. Tổ chức Jica đã nhiều năm thường xuyên có sự giúp đỡ tận tình với Trung tâm, góp phần cứu chữa cho hơn 3.000 người khuyết tật.
Chuyến đi tình nguyện này để lại ấn tượng tốt đẹp, xúc động trong lòng các em học sinh và các thầy cô giáo của Trung tâm về tình thương và tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo trong trường Quốc Tế Nhật Bản. Đặc biệt, trong chuyến đi này, Trường đã góp ý kiến về những phương pháp giáo dục mới của Nhật Bản tới những đứa trẻ khuyết tật.
“Giàu lòng trắc ẩn, họ không thể thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại
Giàu tình thương yêu, họ không thể bỏ qua những khát vọng của tuổi thơ.”
Một số hình ảnh khác của chuyến đi:
Những món quà của Trường mang tới Trung tâm.
Thầy Sasano trò chuyện cùng em học sinh trong Trung tâm.
TIN LIÊN QUAN:
Đà Nẵng có lối đi dành cho người khuyết tật ở bãi biển công cộng
Đà Nẵng vừa chính thức đưa vào sử dụng hai lối đi riêng dành cho người khuyết tật tại các bãi biển công cộng. Cụ thể, một lối đi được bố trí tại khu vực bãi tắm Phạm Văn Đồng, cạnh Công viên Biển Đông; lối đi còn lại được bố trí tại bãi tắm Sao Biển, đoạn giao lộ đường Hoàng Kế Viêm và đường Võ Nguyên Giáp.
Các lối đi được thiết kế đặc biệt dành cho người khuyết tật được lắp ghép từ các tấm composite kết hợp sợi thủy tinh khá cứng, chịu lực cao và bền với thời tiết nắng, gió cùng sự ăn mòn của muối biển. Mỗi lối đi có chiều dài 40m tính từ lề đường đến mép nước. Dọc tuyến có hai đoạn được lắp ghép rộng hơn để hai xe lăn đi ngược chiều có thể tránh nhau, thoải mái cho người sử dụng xe lăn, nạng chống lên xuống bãi biển. Nhiều người dân và du khách cùng chia sẻ việc này thực sự có ý nghĩa nhân văn cao, góp phần mở rộng không gian biển nhằm phục vụ nhu cầu của mọi du khách. Được biết, việc thực hiện lối đi dành cho người khuyết tật ở các bãi biển công cộng Đà Nẵng xuất phát từ ý kiến đóng góp của cộng đồng thông qua trang quản lý đô thị trên mạng xã hội của Đà Nẵng.
K.H
Hà Nội: Khai giảng lớp đào tạo CNTT cho người khuyết tật
Trung tâm Dạy nghề - Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân vừa khai giảng khóa đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho người khuyết tật theo dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật” năm 2016. Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình, đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
Theo UBND quận Thanh Xuân, các lớp học của dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật” do phía Hàn Quốc tài trợ được triển khai ở quận Thanh Xuân từ năm 2015. Việc mở các lớp học cho người khuyết tật, người khiếm thị nhằm tạo những kỹ năng cần thiết, tạo điều kiện cho những người kém may mắn hòa nhập cộng đồng. Được biết, năm 2016, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai 2 lớp. Đối với lớp học Trung cấp, sau khi hoàn thành khóa học, UBND quận giao cho Trung tâm Dạy nghề phối hợp Hội Người khuyết tật quận lựa chọn 10 học viên xuất sắc.
P.L