1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2017

(Dân trí) - Từ 15h hôm nay (1/12), Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) bắt đầu tổ chức Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp (lần 2/2017). Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, sẽ trả lời các thắc mắc về lĩnh vực này. Bạn đọc quan tâm, có câu hỏi xin gửi về địa chỉ: hoangmanh@dantri.com.vn.

Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2017 - 1

Câu hỏi 1: Bạn Lê Ngọc Hoa (Gia Viễn, Ninh Bình) hỏi: Theo quy định tại Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn thì người lao động được hưởng những quyền lợi gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật việc làm thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo quy định tại Điều 51 Luật việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ theo quy định nêu trên khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Ông Lê Văn Bảo (Gia Lâm, Hà Nội), hỏi: Công ty của ông có một số lao động đã ngoài 60 tuổi thì có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động theo quy định nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, ông Bảo nếu giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định nêu trên mà không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu hoặc giúp việc gia đình thì vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Câu hỏi 3: Ông Nguyễn Văn Tám (Sầm Sơn, Thanh Hoá) hỏi: Tôi chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 10/2017 và có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 10 tháng. Vậy tôi có được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

- Theo quy định tại Điều 55 Luật việc làm thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì ông Tàm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng nếu ông có nhu cầu tìm kiếm việc làm sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Ngoài ra, nếu ông đáp ứng đủ các điều kiện về hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật việc làm nêu trên sẽ được hỗ trợ học nghề.

Câu hỏi 4: Bà Lê Thị Mừng (Quảng Ninh) hỏi: Ngày 24/11/2017 tôi đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên tôi muốn rút hồ sơ về để lần sau hưởng có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.

Câu hỏi 5: Bà Hoàng Thị Thùy (Kim Môn, Hải Dương hỏi: Tôi phải đáp ứng đủ những điều kiện gì để được hỗ trợ học nghề? Mức hỗ trợ học nghề và thời gian hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào?

Trả lời

- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Câu hỏi 6: Ông Ngô Văn Tùng ở huyện Đan Phượng, Hà Nội hỏi: Tôi làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân được 6 năm, nay tôi muốn nghỉ việc do sức khỏe yếu. Vậy tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không vì tôi không biết doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tôi không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp nêu trên thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu.

- Theo quy định tại Khoản 13 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp khi ngư­ời lao động yêu cầu.

Như vậy, ông Tùng có thể yêu cầu phía doanh nghiệp hoặc tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp các thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình và ông sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 7: Ông Bùi Văn Minh ở TP Lạng Sơn hỏi: Tôi nghỉ việc do hết tuổi lao động nhưng không đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí, vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại khoản1Điều 43 của Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này;đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theoquy định;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng,cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Như vậy, ông Minh sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 8: Ông Nguyễn Xuân Hả (Nha Trang), hỏi: Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 06 tháng, từ ngày 09/9/2017 đến ngày 08/3/2018. Tháng 01/2018 tôi cùng gia đình sang nước ngoài để định cư. Như vậy, tôi có được nhận trợ cấp 1 lần không? nếu không thì tôi có được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời:

Theo Luật Việc làm thì không còn quy định về hưởng trợ cấp 1 lần.

Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật việc làm thì người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do ra nước ngoài để định cư không thuộc một trong các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện theo quy định.

Câu hỏi 9: Bà Lưu Thị Huệ (Nghĩa Lộ, Yên Bái), hỏi: Tôi làm việc cho công ty sản xuất đồ chơi ở huyện Chương Mỹ được 3 năm, hiện giờ tôi đã nghỉ việc và muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp hồ sơ ở đâu, hồ sơ gồm giấy tờ gì? và thời hạn nộp hồ sơ quy định như thế nào?

Trả lời

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. (Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó).

+ Sổ bảo hiểm xã hội (tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động).

Như vậy, bà Huệ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi bà muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, thành phần hồ sơ và thời hạn nộp hồ sơ thực hiện theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 10: Bà Hoàng Thị Nhung (Yên Phong, Bắc Ninh), hỏi: Tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản đến tháng thứ 4 thì xin nghỉ việc, vậy tôi có được hưởng chế độ thất nghiệp và chế độ thai sản không?

Trả lời

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Như vậy, trường hợp của bà Nhung đang trong thời gian nghỉ thai sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định nêu trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu hỏi 11: Ông Tạ Văn Giang (Yên Dũng, Bắc Giang), hỏi: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Tôi được hưởng 6 tháng và đã nhận 2 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp. Vậy tôi có được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh Hải Dương không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì ông Giang có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Câu hỏi 12: Ông Trần Văn Viện (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động nhưng hiện tại đang ốm phải nằm viện, tôi có thể nhờ người khác nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.

Câu hỏi 13: Bà Mai Lan Anh (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được quy định như thế nào? Những trường hợp nào người lao động được miễn thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng?

Trả lời:

Theo quy định Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ các trường hợp sau:

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;

+ Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;

+ Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;

+ Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

+ Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Câu hỏi 14: Ông Bùi Văn Dương (Vũ Thư, Thái Bình), hỏi: Tôi giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với 1 công ty cổ phần từ ngày 01/11/2015 - 31/10/2017 và tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/11/2015 đến hết tháng 6/2017. Từ ngày 01/7/2017 - 30/9/2017, tôi xin nghỉ việc không hưởng lương do đó không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thời gian này. Ngày 01/10/2017 tôi làm đơn xin nghỉ việc. Vậy, tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Như vậy, trường hợp ông Dương không được coi là người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp nên không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 15: Bà Phan Thị Ly ở tỉnh Nam Định hỏi: Tôi làm việc tại doanh nghiệp từ 01/9/2010 đến ngày 31/8/2017, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7 năm. Ngày 01/9/2017 tôi chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 20/9/2017, tôi thi tuyển và làm hợp đồng để trở thành 1 đại lý bảo hiểm cho 1 công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ nhưng công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tôi. Vậy tôi có được hưởng TCTN không? Nếu có thì tôi phải chuẩn bị những thủ tục và giấy tờ gì?

Trả lời:

Tại Điều 49 Luật Việc làm quy định các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định về người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên quy định thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên quy định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm thì người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, bà Ly làm hợp đồng để trở thành một đại lý bảo hiểm cho 1 công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ mà có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì Công ty này phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bà.

Bà sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện, nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà sẽ được bảo lưu cộng dồn và trình tự, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 16: Bạn Đoàn Lan Ngọc (Vũ Thư, Thái Bình) hỏi: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp nào? Thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động có được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp không? Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp có tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa hay không và trong trường hợp nào?

Trả lời

1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

2. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp.

3. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

Câu hỏi 17: Bạn Đức Bình (Xuân Đỉnh, Hà Nội), hỏi: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

- Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Tìm được việc làm;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Hưởng lương hưu hằng tháng;

- Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

- Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

- Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

- Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;

- Chết;

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tòa án tuyên bố mất tích;

- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Câu hỏi 18: Bạn Huỳnh Văn Trọng (Quận 1, TP HCM) hỏi: Điều kiện, thời gian và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ các điều kiện sau:

- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo phương án được phê duyệt và không quá 06 tháng.

3. Mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Câu hỏi 19: Ông Lê Tất Đạt (Vĩnh Long) hỏi: Hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với người lao động có các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 thì người lao động có các hành vi sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm thất nghiệp:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây:

+ Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Câu hỏi 20: Bà Nguyễn Thị Mai (Bình Dương) hỏi: Hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với người sử dụng lao động có các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 thì người sử dụng lao động có các hành vi sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm thất nghiệp:

- Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

+ Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giả mạo.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, thông tin về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

+ Không làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;

+ Làm mất, hư hỏng hoặc sửa chữa, tẩy xóa sổ bảo hiểm xã hội.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;

Câu hỏi 21: Ông Tạ Văn Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) hỏi: Xin co biết quyền và nghĩa vụ của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Quyền của người lao động: Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì quyền của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Nhận sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận đầy đủ về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm.

- Được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định này.

- Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

- Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của người lao động :

- Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm.

- Thực hiện đúng quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Bảo quản, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

- Người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải thông báo với người sử dụng lao động kế tiếp để tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

- Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quy định tại trung tâm dịch vụ việc làm khi có nhu cầu.

- Hằng tháng thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

- Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động tìm được việc làm thì phải thông báo ngay cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Nhận thông báo về việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không được hỗ trợ học nghề, quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, quyết định bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, d, g, h, l và n Khoản 1 Điều 21 Nghị định này.

- Nộp lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội khi thuộc các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g, i, h, l và n Khoản 1 Điều 21 Nghị định này và trong trường hợp chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

- Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu hỏi 22: Bạn Đinh Trí Dũng (Phủ Lý, Hà Nam) hỏi: Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

1. Quyền của người sử dụng lao động: Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì quyền của người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

- Từ chối thực hiện các yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

- Chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp.

- Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu.

- Cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho người lao động chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

- Thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện.

- Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước.

- Tổ chức triển khai việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Sử dụng người lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 23: Bạn Lê Quyên (Phú Thọ) hỏi: Tôi chuẩn bị tới Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Vậy xin hỏi Trung tâm dịch vụ việc làm có các quyền gì trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm có quyền:

- Từ chối yêu cầu hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật.

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm:

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra, theo dõi, cập nhật các thông tin của người lao động liên quan đến việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm và báo cáo đột xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của người lao động, tổ chức công đoàn và cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Lưu trữ, bảo quản hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.

- Tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp.

- Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 24: Bạn Tô Đình Thậm (Thái Nguyên) hỏi: Tôi nghe nói, thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là một chuỗi hoạt động liên quan từ trung tâm dịch vụ việc làm tới cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy xin hỏi, quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì tổ chức bảo hiểm xã hội có quyền:

- Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động.

- Từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật.

- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:

- Hằng năm thông báo cho từng người lao động thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

- Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia và thu bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp.

- Cung cấp thông tin về việc tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn (trừ Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân).

- Chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Dừng chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và thu hồi thẻ bảo hiểm y tế đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế và đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trư­ởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chuyển Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc chi phí quản lý đúng thời hạn và đủ số tiền phải chuyển theo quy định.

- Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm thất nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm thất nghiệp; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp khi ngư­ời lao động yêu cầu.

- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ 06 tháng, trước ngày 31 tháng 7 và hằng năm trước ngày 31 tháng 01 báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đầu năm và của năm trước.

- Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 25: Bạn Nguyễn Thị Lan Hương (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ người lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền:

- Ban hành quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Thẩm định và phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm; thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định.

- Theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng, hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Thực hiện hợp tác quốc tế và tham gia nghiên cứu khoa học về bảo hiểm thất nghiệp.

- Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Việc làm