Giao dịch điện tử giúp hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH
(Dân trí) - “Cả nước có hơn 480.000 doanh nghiệp dùng mã số thuế giao dịch với cơ quan thuế và hải quan. Nhưng số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 150.000. Quý 2/2015, việc giao dịch BHXH dự kiến qua internet nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi người lao động”.
Giao dịch BHXH qua mạng sẽ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Dân trí về những giải pháp hạn chế trốn nợ đóng BHXH và giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi người lao động.Thưa ông, năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện thu BHXH, BHYT đạt gần 194.000 tỉ đồng, nhưng số nợ còn tới hơn 11.000 tỉ đồng?
Theo thống kê, số nợ hơn 11.000 tỉ đồng chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN ngoài quốc doanh. Trong đó, nợ BHXH hơn 7.800 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần 530 tỉ đồng, nợ Bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 2.750 tỉ đồng.
Các DN nợ BHXH chủ yếu trong tình trạng khó khăn hoặc đã chấm dứt hoạt động. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, BHXH Việt Nam đã khởi kiện gần 4.000 DN, nhưng việc thu hồi số tiền chỉ được khoảng 25%.
Nhiều DN đã trích lương của người lao động nhưng không thực hiện việc đóng BHXH, gây thiệt hại cho người lao động.
Việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai lộ trình giao dịch BHXH qua mạng sẽ có tác dụng gì trong việc giảm trốn nợ BHXH, hạn chế thủ tục phiền hà, thưa ông?
Trước đây, việc giao dịch BHXH khá rườm rà. DN lập danh sách, đóng dấu và nộp “bản cứng” cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH lại lập danh sách và rà soát. Như vậy, việc nhập danh sách thực hiện 2 lần, chưa kể việc đi lại và chờ đợi tốn nhiều thời gian cho DN.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trong đề án trình Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam giao dịch điện tử, việc giao dịch sẽ được thực hiện qua mạng và chỉ cần nhập 1 lần, giảm thiểu tối đa các thủ tục và số giờ tham gia BHXH.
Cả nước hiện có khoảng 480.000 DN có sử dụng chữ ký số để làm thủ tục thuế, hải quan qua mạng internet. BHXH Việt Nam đang bàn với Tổng cục Thuế để thống nhất sử dụng chung chữ ký số và thông tin thuế của DN nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra BHXH.
Theo đó, qua việc rà soát thông tin về thuế thu nhập cá nhân của đối tượng trong doanh nghiệp, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ phát hiện ra các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH trong doanh nghiệp nhưng chưa được đóng, hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Bên cạnh việc chờ quyết định của Chính phủ, BHXH Việt Nam đang khẩn trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự kiến quý 2 triển khai việc này.
Đối với người lao động, việc triển khai giao dịch điện tử BHXH có tác dụng gì trong việc giám sát DN đóng BHXH, thưa ông?
Theo quy định của Luật BHXH năm 2006, cuốn sổ BHXH do DN quản lý. BHXH Việt Nam công khai kết quả đóng BHXH tới từng DN. Nhưng nhiều DN không công khai cho người lao động biết tiến độ đóng BHXH tới đâu.
Vài năm sau, người lao động chuyển sang DN khác nhưng cơ quan BHXH không thể chốt được sổ BHXH. Lúc đó, người lao động mới biết là chưa được DN cũ đóng BHXH.
Theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ năm 2016, sổ BHXH sẽ giao cho người lao động, cứ 6 tháng BHXH sẽ cung cấp danh sách để DN công khai cho người lao động. Trong 1 năm, BHXH in danh sách và yêu cầu DN công khai cho người lao động.
Đồng thời, người lao động chỉ cần dùng số CMT hoặc số sổ BHXH để có thể kiểm tra việc đóng BHXH của mình theo từng tháng trên mạng internet.
Như vậy, người lao động có thể nắm được tình trạng DN đóng BHXH cho mình theo từng tháng và có thể đấu tranh với hành vi vi phạm việc đóng. Đồng thời, cơ quan BHXH có căn cứ ghi vào sổ BHXH để giải quyết chính sách.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mạnh (thực hiện)