Gian nan nghề gác tàu giữa trung tâm Sài Gòn
(Dân trí) - Trong 20 năm qua, mỗi ngày 12 tiếng, anh Tuấn "dầm mưa dãi nắng" bên gác chắn tàu để đảm bảo an toàn cho người dân đi qua đường ray. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế đầy gian nan.
Hơn 33 năm gắn bó với tiếng còi tàu
Hơn 50 tuổi, anh La Quang Tuấn đã có thâm niên hơn 33 năm làm nhân viên ngành đường sắt. Trong đó, 13 năm làm nhân viên sửa chữa cầu đường và 20 năm làm nhân viên gác chắn. Niềm đam mê tiếng còi tàu là động lực để anh Tuấn gắn bó với nghề suất ngần ấy thời gian.
"Tôi gắn bó với ngành đường sắt từ năm 1988 với công việc sửa chữa cầu đường. Khi đó, tôi rất say mê tiếng còi tàu nên quyết định nộp đơn xin làm nhân viên gác chắn đường sắt. Năm 2001, tôi được chuyển công tác qua làm nhân viên gác chắn và gắn bó với công việc từ đó đến nay", anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn đang công tác tại trạm gác Bác Ba Xếp (Km1725+521, đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TPHCM). Căn phòng rộng vẻn vẹn gần 10m2 mới được sửa chữa là nơi làm việc của anh Tuấn cùng với đồng nghiệp hàng chục năm qua.
Dù mưa hay nắng, anh và đồng đội vẫn phải làm nhiệm vụ canh gác để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và đoàn tàu. Bình thường mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình một ngày có từ 25-30 lượt tàu qua lại.
"Nhiều chuyến tàu chạy không cố định, tôi phải trắng đêm trực gác. Khi trực, người gác tàu phải tập trung cao độ để căn đúng giờ tàu chạy nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người dân", anh Tuấn tâm sự.
Mức lương 8 triệu đồng/tháng chỉ tạm đủ để gia đình anh trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi tàu giảm mạnh nên công việc của anh Tuấn cũng ít đi. Vì vậy, thu nhập của anh cũng giảm theo.
"Cái khó của nghề này là vấn đề an toàn giao thông. Do lưu lượng người tham gia giao thông quá đông nhưng nhiều người ý thức chưa tốt cũng rất nguy hiểm. Dù gác chắn đã hạ xuống nhưng nhiều người vẫn cố gỡ thanh chắn để đi qua. Nếu không xử lý tốt thì rất dễ xảy ra tai nạn", anh Tuấn than thở.
Mặt khác, anh Tuấn cho biết khi thấy đèn báo, nhiều người chưa tự giác dừng lại. Nhiều người vẫn cố chạy thật nhanh để qua trạm khi đèn đỏ đã báo. Chính điều này đã làm anh Tuấn và các đồng nghiệp phải "ướt cả áo" mới có thể điều tiết phương tiện giao thông.
Mong mọi người an toàn trong dịp Tết
Vào những ngày Tết, khi mọi người dân đang vui xuân thì anh Tuấn lại bước vào cao điểm của công việc. Anh Tuấn cho biết, việc đón Tết tại trạm gác là chuyện phổ biến đối với nhân viên gác tàu. Nhiều năm, anh Tuấn cũng được phân công trực gác vào đem giao thừa.
"Tâm trạng lúc đó nó khó tả lắm, cảm xúc bị xen lẫn giữa vui và buồn. Vui vì bản thân mình đảm bảo được đoàn tàu an toàn chạy qua trạm của mình đưa hành khách về quê ăn Tết. Buồn là trong thời khắc giao thừa không được ở cùng gia đình. Dù vậy, khi công việc hoàn thành mình sẽ được an ủi", anh Tuấn cho hay.
Điều an ủi nhất đối với anh em công nhân làm công việc gác chắn đường tàu là nhận được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị trong dịp Tết.
"Đêm giao thừa, lãnh đạo lúc nào cũng đến từng trạm gác để kiểm tra, lì xì, động viên anh em. Điều này làm anh em cảm thấy rất ấm áp và yên tâm thực hiện nhiệm vụ", anh Tuấn chia sẻ.
Đối với anh Tuấn, nghề chắn gác tàu này không chỉ là một công việc mà đó là một sứ mệnh cao cả. Sứ mệnh đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu ngược xuôi từ Nam ra Bắc.
"Mặc dù phải trực tàu xuyên Tết nhưng tôi và các đồng nghiệp của mình vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành công việc. Chúng tôi luôn tập trung để không xảy ra sự cố cho tàu và người tham gia giao thông. Đối với chúng tôi, hoàn thành nhiệm vụ rồi về đón Tết cùng gia đình sau thì cũng chưa muộn", anh Tuấn bộc bạch.