1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giám đốc chạy xe ra đón công nhân mà đành "chào thua"... trạm xét nghiệm

An Linh

(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan TPHCM than thở về hiện trạng bất cập trong chính sách xét nghiệm, hạn chế lao động đi lại ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nhà cách công ty chỉ 8m, ngay bên kia đường mà không sang được 

Ông Hồng cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM có lao động ở các địa bàn vùng ven thành phố hoặc ở các tỉnh lân cận khác như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, trước đây thì không sao nhưng giờ là cả một vấn đề.

Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là từ ngày 1-10/10, TPHCM và 4 tỉnh Đông Nam Bộ chưa thống nhất vấn đề đi lại nên người lao động không thể di chuyển liên tỉnh được.

Giám đốc chạy xe ra đón công nhân mà đành chào thua... trạm xét nghiệm - 1

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM, Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 (Ảnh NVCC).

"Tôi từng chạy qua chạy lại mấy trạm đón công nhân, người tiêm 2 mũi rồi vẫn phải xét nghiệm. Mới đây, Thủ tướng yêu cầu tổ chức lưu thông thông suốt giữa các tỉnh, không "cát cứ", địa phương, hy vọng tuần tới mọi chuyện sẽ ổn định, doanh nghiệp bớt lo", ông Hồng nói.

Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan kể: "Nhà cách công ty chỉ 8m, di chuyển xe máy, đi bộ được, nhìn thấy nhà máy bên kia đường rồi mà sang không được. Dịch bệnh đâu có giới hạn ranh giới, phải cho lưu thông chứ không thì doanh nghiệp biết làm sao"

"Đồng ý là phải xét nghiệm để sàng lọc nhưng người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì cho người ta được đi làm, vừa đỡ mất chi phí cho Nhà nước vừa giúp tâm lý xã hội, người lao động được giải tỏa", ông Hồng nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM đồng thời là Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 phân tích, sau 1/10, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trở lại, lao động trong các doanh nghiệp đều đã tiêm là không thiếu lao động.

Tuy nhiên, vấn đề là mô hình "3 tại chỗ" làm tăng nhiều chi phí và e ngại cho doanh nghiệp bởi khó có thể chủ động lo chỗ ăn, ở, sinh hoạt tại nhà máy. Trong đó, lo ngại lớn nhất là có ca bệnh phát sinh thì hoạt động của cả nhà máy, cả dây chuyền bị dừng thì tổn hại đơn hàng còn cao hơn.

Các DN dệt may, theo đó, chỉ thực hiện "3 tại chỗ" khi các điều kiện đảm bảo được, và đặc biệt là phải có đơn hàng cần làm ngay, giao ngay, còn không thì làm rất rủi ro.

Theo ông Hồng, bản thân Công ty May Sài Gòn 3 của ông hiện 90% lao động đã trở lại làm việc khi được tiêm đủ mũi vắc xin. Các chính sách ổn định nên tạo ra niềm tin cho người lao động.

Vợ chồng công nhân lương dưới 10 triệu/tháng/người thì... rất mệt

Theo ông Hồng, xu hướng lao động dồn dập về quê vừa qua chủ yếu là lao động tự do, lao động thời vụ, làm công việc lương bấp bênh, xác định sau dịch không có việc để làm nên tốt nhất là về quê. Còn đối với lao động có trình độ, kỹ năng cao thì đa số có nơi định cư, ít người mạo hiểm về quê tầm này.

"Tôi ngồi với nhiều doanh nghiệp, đại đa số 80-90% doanh nghiệp vẫn đủ công nhân, trong tình hình chung của dịch bệnh, người ta vẫn không sợ khó khăn. Có doanh nghiệp nhỏ bảo với tôi là đủ lao động, không có vấn đề gì. Chỉ có một số ít công nhân vướng gia đình, con cái, ốm đau là xin nghỉ. Công ty của tôi cũng chỉ vắng 2-3% thôi, còn lại người lao động vẫn ở lại đầy đủ. Tôi nói thật ruột gan của mình!", ông Phạm Xuân Hồng quả quyết.

Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp dệt may, hiện đang có hợp đồng, có đơn hàng, khi TPHCM, các địa phương khôi phục trở lại thì đều sẵn sàng hoạt động ngay, không có vấn đề gì cả.

"Chúng tôi chỉ đề nghị giải tỏa áp lực đi lại. Bên cạnh đó, nếu được giảm, giãn nợ, giảm đóng BHXH, BHYT, khoản phí về đất đai thì càng tốt. Cái nào giảm được thì giảm, để đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp từ nhiều phía", ông Hồng bày tỏ.

Về vấn đề thu nhập của công nhân, ông Hồng nhẩm tính: Hai vợ chồng đi làm trong doanh nghiệp dệt may có 2 con đi học, có trình độ và tay nghề thu nhập mỗi người cũng được 10 triệu đồng/tháng thì mới đủ trang trải cuộc sống, còn nếu thấp hơn thì "rất mệt".

"Với lương của ngành dệt may, thu nhập khoảng 10 triệu đồng là bình thường. Tất nhiên, lương còn phụ thuộc tay nghề, tay nghề cao thì lương cao hơn, nhưng tay nghề thấp cũng không đến nỗi. Lao động giờ là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp", ông Hồng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp xây dựng các khu cư xá, ký túc cho người lao động để bớt cảnh chen chúc nhau ở những ngôi nhà trọ tồi tàn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho công nhân, ông Hồng cho biết, 10 năm trước, Hội dệt may TPHCM đề xuất với lãnh đạo thành phố cho quỹ đất để thí điểm xây dựng khu cư xá, ký túc xá đầu tiên cho công nhân. Đích thân ông đã liên hệ với Chủ tịch Thành phố Lê Hoàng Quân khi ấy và được chấp thuận.

Tuy nhiên, đó không phải quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng "đất sạch" mà doanh nghiệp, hiệp hội tham gia phải tiến hành tự giải phóng mặt bằng, bồi thường cho dân. "Ôi trời, không thể nào làm được vì quá nhiều vấn đề, giá quá cao, làm không nổi!" - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, thêu đan TPHCM than.

Ông Hồng chỉ rõ, muốn có nhà ở cho công nhân, chính quyền phải giao đất sạch cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ làm nhà ở cho người dân là doanh nghiệp làm thay địa phương nhưng cái khó của họ lại đẩy lên vai doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề cư xá, nhà ở công nhân nhiều năm qua là "vấn đề muôn năm cũ", không giải quyết được.