Trung tâm sản xuất miền Nam đã dừng 70 ngày, 3-5 tháng lao động mới trở lại

An Linh

(Dân trí) - "Một chỉ số đáng mừng là hơn 89% người lao động di cư, 96% lao động địa phương muốn tiếp tục đi làm ở nhà máy khi hết giãn cách. Tuy nhiên, cũng phải mất 3-5 tháng để họ trở lại nhà máy làm việc".

Báo cáo của nhóm nghiên cứu về ngành da giày trong làn sóng Covid-19 năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động và Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) công bố ngày 7/10 cho thấy, các trung tâm sản xuất miền Nam đã trải qua 70 ngày ngừng hoạt động, hơn 17 khu công nghiệp của TPHCM chỉ hoạt động trên 26% công suất.

Trung tâm sản xuất miền Nam đã dừng 70 ngày, 3-5 tháng lao động mới trở lại  - 1

Về chi phí vận hành cho doanh nghiệp trong dịch, theo nhóm nghiên cứu để duy trì "3 tại chỗ" tại doanh nghiệp, mỗi người làm việc mất 2,2 triệu đồng/tuần, trung bình một nhà máy có 1.000 công nhân, doanh nghiệp mất hơn 2,2 tỷ đồng/tuần làm việc. Đây chỉ là chi phí phụ cấp, ăn ở, xét nghiệm.

Cũng theo báo cáo, hiện có gần 60% người lao động bị giảm thu nhập do bị giãn ca, làm việc không liên tục. Tuy nhiên, trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê để phục hồi sức khỏe, cuộc sống.

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm này, một chỉ số đáng mừng là hơn 89% người lao động di cư, 96% lao động địa phương muốn tiếp tục đi làm ở nhà máy hiện tại khi hết giãn cách. Tuy nhiên, cũng phải mất 3-5 tháng để họ trở lại nhà máy làm việc.

TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động: Doanh nghiệp cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương.

'Đối với người lao động, trước mắt thu xếp cho người lao động di cư về quê an toàn, phối hợp với địa phương hỗ trợ đi lại, chi phí xét nghiệm để họ quay trở lại làm việc càng sớm, càng tốt", bà Chi cho hay.

Thực tế, từ khi đại dịch bùng phát cuối tháng 4/2021 đến nay khiến nhiều tỉnh thành phải giãn cách. Chuỗi cung ứng dệt may có nguy đứt gãy và khan hiếm lao động đang là bài toán khó cho doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn mới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách cho rằng, hiện việc mở cửa sản xuất thực sự có nhiều điều kiện quá phức tạp, lưu thông giữa các địa phương với nhau gặp cản trở lớn, công nhân đi làm vấp phải điều kiện khác nhau giữa các tỉnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện giãn cách đã khó rồi, giờ thêm điều kiện nữa thì doanh nghiệp rất khó khăn. Đã có doanh nghiệp bức xúc quá mở cửa rồi chịu phạt sau, thiệt hại quá lớn nếu tiếp tục đóng cửa thì phá sản.